CareerBuilder từng có một cuộc khảo sát quốc tế dành cho hơn 2300 nhà tuyển dụng và chuyên gia nhân sự. Kết quả cho thấy: 70% nhà tuyển dụng sử dụng mạng xã hội (MXH) để sàng lọc ứng viên tiềm năng,ươngtrênmạngxãhộmưa và 54% đã quyết định không tuyển ứng viên nào đó dựa trên những gì họ thấy từ tài khoản MXH.
Nhà tuyển dụng có thể sẽ “soi” hồ sơ MXH của bạn |
Như vậy, việc chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn hoàn hảo chỉ là một phần của quá trình ứng tuyển. Bạn cần đảm bảo rằng hình ảnh trên mạng của mình mô tả chính xác những gì bạn muốn thể hiện về bản thân.
Không chỉ là tài khoản LinkedIn, mà kể cả Facebook, Twitter, Instagram, Youtube… cho đến blog cá nhân. Bất kỳ điều gì bạn làm trên môi trường internet đều để lại dấu vết, và có thể dẫn đến ấn tượng tiêu cực cho các nhà tuyển dụng tiềm năng. Đã đến lúc “soi gương” để xem có ‘vết’ gì trên ‘bộ mặt’ của mình trên MXH không.
Suy nghĩ trước khi đăng bài
Một nhà tuyển dụng có thể bỏ qua các ứng viên có biểu hiện trên MXH như: đăng ảnh, video hoặc thông tin bạo lực, gây hấn, bắt nạt hoặc không phù hợp; đăng thông tin cổ xúy hành vi sử dụng chất kích thích hoặc ma túy; nhận xét phân biệt đối xử về chủng tộc, vùng miền, giới tính, tôn giáo; nói xấu đồng nghiệp hoặc công ty cũ; nói dối về bằng cấp; giao tiếp kém, tranh cãi với ngôn từ quấy rối, gây thù ghét; có hành vi phạm tội (ví dụ: vi phạm Luật An ninh mạng); chia sẻ thông tin bí mật từ các công ty, nhà tuyển dụng trước đây; tên hiển thị của ứng viên không chuyên nghiệp, dùng teencode; nói dối về việc nghỉ phép…
Hành động cụ thể với từng mạng xã hội
LinkedIn:Tài khoản LinkedIn của bạn có thể ít những thông tin gây xấu hổ, nhưng đó có phải là những thông tin hiệu quả không? Thường các nhà tuyển dụng sẽ bắt đầu kiểm tra từ đây trước. Hãy đảm bảo rằng bạn có một hồ sơ LinkedIn rõ ràng, minh bạch, hấp dẫn để tạo ấn tượng ban đầu tuyệt vời.
Facebook:Facebook là nơi chúng ta chia sẻ những thông tin về đời sống riêng, quan điểm riêng. Nhưng bạn không thể đòi hỏi các nhà tuyển dụng không “phán xét” những gì bạn thể hiện trên đó. Để đảm bảo nhà tuyển dụng tiềm năng không nhìn thấy những gì bạn không muốn họ thấy, hãy tìm “Cài đặt & Quyền riêng tư” ở góc trên cùng bên phải của Facebook, chọn “Kiểm tra quyền riêng tư”. Bạn có thể cài đặt để Cho phép/ Hạn chế đối tượng xem các bài đăng của mình trong tương lai, theo dõi những ứng dụng bạn đã đăng nhập và xóa những gì bạn không sử dụng nữa.
Tiếp theo, hãy kiểm tra xem Nhật ký hoạt động có đang công khai hay không. Nếu có, mọi người sẽ theo dõi được phản ứng, sự lựa chọn, hành vi của bạn trên Facebook. Bạn có tự tin với điều đó không? Trong cài đặt Quyền riêng tư, hãy lưu ý để mọi hình ảnh mà người khác gắn thẻ (tag) phải được bạn xem xét trước thay vì tự động đăng lên Dòng thời gian.
Blog cá nhân:Một số người sử dụng blog như trang nhật ký cá nhân, một số người khác coi đó là công cụ để giới thiệu bản thân với thế giới. Dù thế nào, thì nếu đã có đường dẫn từ các tài khoản MXH khác đến blog, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng tìm ra. Điều đó có nghĩa là bạn nên truy cập lại và chỉnh sửa nếu cần.
Twitter và Instagram:Twitter và Instagram đều cho phép ta chọn tài khoản chuyên nghiệp hoặc riêng tư. Hãy cài đặt quyền riêng tư nếu bạn không muốn các nhà tuyển dụng tương lai nhìn thấy những nội dung cá nhân. Với Twitter, bạn có thể gõ tên mình ở Tìm kiếm để kiểm tra sự hiện diện của bản thân. Biết đâu ai đó đã từng đề cập đến bạn mà bạn không biết. Nếu có những nhận xét chê bai bất lợi, bạn sẽ phải trao đổi với chủ tài khoản đó hoặc chuẩn bị tinh thần phản hồi nhà tuyển dụng nếu họ đề cập đến.
Tương tự với các bức ảnh được gắn thẻ trên Instagram, nhà tuyển dụng có thể nhìn thấy nếu bạn được gắn thẻ bởi những tài khoản công khai/ đã được nhà tuyển dụng theo dõi từ trước. Nếu thấy không đẹp mắt, bạn có thể chọn “Xóa tôi khỏi bài đăng” hoặc “Ẩn khỏi hồ sơ của tôi”.
YouTube:Các video cũ của bạn có thể đã được cài đặt mặc định là “Công khai”. Nếu không muốn xóa, hãy cài đặt lại thành “Riêng tư” hoặc “Không công khai”. Nhưng điều đó có nghĩa là ai có đường link của video hoặc được bạn chia sẻ vẫn có thể xem được.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phải tính đến việc điều chỉnh cả các tài khoản như Pinterest, Tumblr, Flickr…
Bổ sung thông tin tích cực
Rất khó để xóa sạch sự hiện diện trực tuyến của chúng ta. Và nếu không thể tìm ra bạn trên MXH nào, nhà tuyển dụng cũng có thể đặt dấu hỏi. Thay vì thế, việc bổ sung thông tin tích cực trên các MXH sẽ mang lại lợi ích kép: thông tin mới vừa đẩy các tin tức tiêu cực cũ (mà bạn không thể kiểm soát) khỏi các trang đầu trên công cụ tìm kiếm, vừa giới thiệu bạn theo cách bạn muốn. Khi chuỗi “thông tin tốt” chiếm vị trí hàng đầu, thì khả năng ai đó “khai quật” được những thông tin bất lợi về bạn cũng giảm bớt.
Và thêm một thao tác nhỏ sau khi bạn đã “soi gương” đủ kỹ để biết mình đã ‘ổn’ trên MXH: hãy bổ sung đường link hoặc mã QR của Hồ sơ CareerBuilder ở phần Giới thiệu. Điều đó cho nhà tuyển dụng tín hiệu rằng, đây là một tài khoản MXH chuyên nghiệp, và bạn tự tin về hình ảnh bản thân thể hiện trên đó.
Vĩnh Phú