- Con đường đến với văn chương của cô giáo Trần Hà Yên như thế nào?ôgiáovượtquabệnhtậthiểmnghèođểsốngvàviếtchothiếlich thi đâu mu
Đây là một hành trình dài của tình yêu, sự đam mê và nỗ lực vượt qua bệnh tật hiểm nghèo để sống và viết. Tình yêu với văn chương đã bén rễ trong tôi từ thủa thơ ấu. Ngày đó, tuy còn nhỏ nhưng tôi mê đọc sách lắm. Bất kể mua hay mượn của bạn bè một tác phẩm văn học nào đó, dù là thơ hay truyện tôi đều nghiến ngấu đọc ngay, thèm sách hơn thèm ăn. Và theo năm tháng, tình yêu với văn chương càng trở nên sâu nặng hơn.
Là một giáo viên THPT, công việc hàng ngày chủ yếu là những giờ lên lớp, giảng dạy bộ môn Ngữ văn. Tuy nhiên, tôi không chỉ tìm niềm vui khi tiếp xúc với sự hồn nhiên, ngây thơ, trong trắng của các con mà thấy sự hứng khởi khi cảm nhận cái hay, cái đẹp của từng tác phẩm văn học được chọn giảng trong nhà trường. Do đó, tôi dành nhiều thời gian để viết lách như một cách bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc về nghề nghiệp, cuộc sống xung quanh.
Ban đầu, các tác phẩm của tôi chỉ là dòng nhật ký, ghi chép nhỏ về những điều mắt thấy tai nghe, một số tình huống sư phạm. Dần dần, các trang viết đó trở thành những câu chuyện và bài thơ được trau chuốt hơn về nghệ thuật, chất chứa tâm trạng, cảm xúc của bản thân.
Với nhà thơ, nhà giáo Trần Hà Yên, văn chương và giảng dạy hòa quyện với nhau trong một thể thống nhất. |
- Với chị, nghề giáo và nghề văn có sự hỗ trợ qua lại với nhau?
Nghề giáo và nghề văn không chỉ hỗ trợ mà còn bổ sung, nâng đỡ và làm phong phú thêm cho nhau. Là một giáo viên, tôi có cơ hội hiểu nhiều hơn tâm lý các em trong những tình huống học đường. Chính những trải nghiệm thực tế này là chất liệu sống động và chân thật để Hà Yên sáng tác. Từ đó, các tác phẩm trở nên gần gũi, mang hơi thở của cuộc sống và đồng cảm với trẻ thơ.
Văn chương cũng hỗ trợ tôi làm tốt vai trò của một giáo viên dạy văn, trau dồi khả năng diễn đạt và cảm nhận sâu sắc, khiến bài giảng trở nên phong phú và hấp dẫn hơn. Tôi có thể truyền tải những bài học một cách sinh động, từ đó khơi dậy trong các con niềm yêu thích đối với môn văn và thúc đẩy phát triển khả năng cảm thụ văn học.
- Vì sao đang làm thơ, sáng tác truyện người lớn, một năm nay chị lại chuyển sang viết cho thiếu nhi?
Sự chuyển hướng sáng tác của Hà Yên cho lứa tuổi thiếu nhi bắt nguồn từ những trải nghiệm gần gũi với trẻ em trong hơn 30 năm dạy học. Ban đầu, tôi chủ yếu sáng tác thơ và truyện cho người lớn để chia sẻ suy tư, cảm xúc của mình về cuộc đời. Nhưng tôi nhận thấy văn học thiếu nhi là mảnh đất đầy tiềm năng để truyền tải giá trị nhân văn, giáo dục các em có lối sống đẹp, trở thành những con người tử tế.
Các sáng tác cho thiếu nhi của cô giáo Trần Hà Yên. |
Trải qua thời gian chiến đấu căng thẳng với căn bệnh ung thư hiểm nghèo và những di chứng đau đớn còn sót lại, tôi tập trung sáng tác cho thiếu nhi và thấy tâm hồn nhẹ nhàng, yêu đời hơn. Khó khăn, áp lực của cuộc sống được giải tỏa đáng kể - đó là cảm xúc tích cực mãnh liệt mà giờ tôi mới nhận ra. Những câu thơ về thế giới con trẻ thực ra là các lát cắt nhỏ trong cuộc sống, nhưng khi viết ra, đặc biệt là được độc giả nhí đón nhận sẽ tạo niềm hứng khởi đặc biệt với người cầm bút.
Vì thế, tôi quyết định dành toàn bộ thời gian viết cho thiếu nhi, ra mắt 2 tập thơ và 1 tập truyện ngắn.
- "Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo", tác phẩm mới nhất của chị được viết bằng thể loại đồng thoại, khơi gợi trí tưởng tượng phong phú cho trẻ em. Theo chị, trí tưởng tượng có tầm quan trọng thế nào đối với trẻ thơ?
Trí tưởng tượng giúp trẻ nhìn thế giới không chỉ như nó vốn có mà với muôn vàn khả năng mới lạ. Thông qua đó, các em được tự do sáng tạo, khám phá và phát triển khả năng suy nghĩ đa chiều, độc lập. Những câu chuyện đồng thoại trong tập truyện ngắn Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹokhuyến khích các con đặt câu hỏi, tưởng tượng ra những cuộc phiêu lưu kỳ thú và các mối quan hệ thú vị.
Những câu chuyện có tính chất đồng thoại giúp trẻ biết yêu quý thiên nhiên, hiểu về lòng tốt, tình bạn và sự dũng cảm một cách tự nhiên. |
Đối với bạn đọc nhỏ tuổi, trí tưởng tượng là nền tảng cho sự phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi hình dung ra các tình huống hoặc thế giới mới, trẻ bắt đầu tập suy luận, dự đoán và tưởng tượng ra cách đối phó với thử thách trong đời thực.
Những câu chuyện đồng thoại Hà Yên viết không chỉ là món quà cho trẻ em mà còn là sự chia sẻ với người lớn rằng trí tưởng tượng là một phần không thể thiếu để chúng ta giữ được tâm hồn luôn tươi mới.
- Viết cho người lớn và thiếu nhi có sự khác biệt khá rõ. Nhiều tác giả kể chuyện hoặc làm thơ thiếu nhi nhưng lại… cho người lớn đọc. Là người viết cho cả hai đối tượng này, theo chị làm sao để tránh điều đó?
Viết cho thiếu nhi đòi hỏi hướng tiếp cận khác biệt, không chỉ ở ngôn từ mà cả trong cách truyền tải cảm xúc và ý nghĩa. Do đó, người viết cần thực sự đặt mình vào thế giới trong sáng, giản dị của trẻ thơ, thay vì áp đặt suy nghĩ phức tạp và góc nhìn trưởng thành lên nội dung tác phẩm. Mỗi câu chuyện cần có tính hành động, chi tiết cụ thể và tránh sự lên lớp căng cứng là những điều mà trẻ em không dễ đón nhận.
Nhà thơ, nhà giáo Trần Hà Yên, tên thật là Trần Thị Minh Hạnh, hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Chị là giáo viên THPT, hiện đã nghỉ hưu. Trần Hà Yên đã xuất bản 5 tập thơ và 1 truyện ngắn dành cho người lớn (Mùa nắng hanh vàng, Hát cho tình đã xa, Em và nỗi nhớ, Giọt thời gian, Đi qua miền khát, Tia nắng mồ côi), cùng 2 tập thơ và 1 tập truyện thiếu nhi (Bác sĩ Chim Sâu, Từ vườn hoa nhà em, Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo) được các em yêu thích.