Bà Hằng được mẹ cho học nữ công gia chánh từ khi học lớp 2."Ngày xưa chưa có tủ lạnh nên sáng đi chợ sáng, chiều đi chợ chiều. Tôi xách làn theo mẹ. Thấy mẹ chọn thịt, chọn rau rồi mặc cả, tôi cũng học được nhiều. Mẹ tôi là người giỏi nấu ăn. Thế nên những thứ mẹ chọn cũng rất kĩ càng", bà Hằng chia sẻ.
Dần dần, bà được mẹ tin tưởng giao tiền tự đi chợ. Mẹ dạy bà cách tính toán sao cho chuẩn từng bữa. Bà phải cân đong, đo đếm sao cho khít để về nhà khỏi bị mẹ mắng và có được mâm cơm ngon. Những hàng chưa quen, mẹ đều dạy bà phải mặc cả. Còn những hàng mua nhiều, biết giá, biết chất lượng bà cứ thế đến rồi mua về.
Trong nhà, mẹ bà Hằng là người đứng bếp chính. Sau này khi có thêm dâu, mẹ tự tay chỉ việc cho các con nhưng vẫn chưa ai vượt qua được mẹ. Đối với bà Hằng, mẹ là “siêu đầu bếp”.
Cũng chính trong căn bếp ấy, bà Hằng học được cách nấu ăn và đặc biệt là cách nấu món ngon Hà Nội. Sau này, khi mẹ tuổi cao sức yếu, ốm bệnh, mẹ thích ăn món gì, bà Hằng đều nấu mang lên.
Trong khi đó, bố lại người hướng dẫn bà Hằng cách pha chế cà phê. Từ khi lên 8, bà Hằng đã pha cà phê rất thạo. Thi thoảng thấy thèm, bà lén uống sái cà phê của bố. Cũng từ đó, hương cà phê cứ quanh quẩn trong đầu. Và rồi khi trưởng thành, bà coi đó là thức uống không thể thiếu mỗi buổi sáng.
Đến giờ, nhiều gia đình ở Hà Nội không còn nấu những món cổ truyền nhưng bà vẫn luôn làm để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn: thịt thăn làm chả bầu dục, bóng thả, giò rươi, bún riêu, phở… Dù nấu nướng bằng các phương pháp hiện đại, thêm gia vị nhiều hơn nhưng món ăn vẫn giữ được hương vị các cụ để lại.
Nhớ tiếng rao đêm Hà Nội
Đã bao năm tháng trôi qua, mỗi lần nghe tiếng rao của người bán thức quà đêm, bà Bích Hằng lại cồn cào da diết nhớ về ngày xưa. Đó là cái thời bà còn nhỏ, cả gia đình sống quây quần bên nhau.
“Tôi nhớ như in những ngày Hà Nội giá lạnh. Buổi tối, cả nhà ngồi quây quần bên nhau và chờ ăn quà vặt. Những tiếng rao bán đồ ăn cứ văng vẳng ở đầu ngõ. Mẹ lại bảo anh em tôi chạy ra mua vài đồng quà để cả nhà nhấm nháp. Những âm thanh ‘bánh khúc đê’, ‘bánh bao đê’, ‘lạc rang, ngô rang, hạt dẻ… cứ văng vẳng bên tai”, bà Hằng nhớ lại.
Không chỉ nhớ món ăn, bà còn nhớ cả cách rao của người bán hàng rong, nhớ cả hình ảnh họ đội thúng lên đầu đi khắp phố. Tiếng rao ấy khó tả, đặc biệt mà chỉ có người con gốc Hà Nội như bà mới cảm nhận được.
“Mẹ tôi dặn đi dặn lại phải mua hàng cho những người nào. Mẹ nhớ từng khuôn mặt của người bán, biết cả hoàn cảnh của người ta. Những ai khó khăn hơn, mẹ sẽ mua ủng hộ nhiều hơn. Đó là cách mẹ dạy chúng tôi về lòng nhân ái, biết giúp đỡ sẻ chia”, bà Hằng tâm sự.
Nhớ về Hà Nội những ngày trước, bà ngân ngấn lệ: “Người Hà Nội trong phố hiểu và quan tâm nhau lắm. Dù bình thường mọi người đều đóng cửa nhưng chỉ cần hàng xóm có việc là cả phố ra giúp đỡ. Sự giúp đỡ ấy thể hiện ở việc cho đồ ăn, chia quà, thăm hỏi nhau lúc đau ốm".
Bà kể tiếp: “Tôi nhớ những bữa cơm gia đình ngồi quây quần cả bà, bố mẹ, 5 anh trai và tôi. Mỗi lần vắng ai, mẹ tôi đều xẻ ra đĩa để phần. Ai bận không về, thức ăn đó lại bày ra mâm. Mâm cơm ngày xưa chủ yếu có đậu phụ tẩm hành, rau muống, lạc rang, trứng… Gia đình nào có điều kiện sẽ bày biện thêm món thịt kho, cá kho, rươi…”.
Bây giờ, chuyện bếp núc trong nhà một tay bà Hằng lo. Nhà ở gần chợ, việc mua bán cũng thuận tiện với bà hơn. Khi đi chợ, bà cũng không cần phải mặc cả bởi những người bán hàng đã coi bà là vị khách thân quen.
Thế nhưng, để bữa ăn được chu đáo, tiện lợi và cũng đỡ phải đi chợ nhiều, lúc rảnh, bà thường chuẩn bị sẵn các nguyên liệu và sơ chế chúng rồi cho vào tủ lạnh. Khi cần hoặc có khách đột xuất, bà chỉ việc mở ra rồi chế biến. "Con dâu tôi hay đùa bị nghiện món ăn mẹ nấu và cũng bị nghiện luôn cà phê pha phin của mẹ”, bà cười tâm sự.
Để không quên nếp cũ, mỗi tuần gia đình bà Bích Hằng đều tập trung con cháu để ăn uống một lần. Những bữa ấy, bà lại tự tay nấu các món ăn Hà Nội xưa. Cả nhà sum vầy bên nhau, đó là giây phút đầm ấm, hạnh phúc nhất.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
" alt="Nữ đầu bếp kể chuyện đi chợ ngày xưa, nhớ da diết tiếng rao đêm Hà Nội" width="90" height="59"/>