Bông Mai và hành trình 99 ngày xuyên Việt Trong “Hành trình 99 ngày xuyên Việt của Mai”, ca sĩ, nhà báo Bông Mai thừa nhận, để “cai” con cái, quẳng gánh lo mà lên đường không hề dễ dàng. Nhưng chị cũng tự hào cho biết, chị đang thực hiện một hành trình mà ở đó các con là những người bạn “đồng hành” để mẹ yên tâm “sống một cuộc đời rực rỡ”.
Bông Mai chia sẻ, để thực hiện chuyến đi 99 ngày này chị đã phải lên kế hoạch, sắp xếp cuộc sống, sinh hoạt cho bản thân và gia đình một cách chủ động, ổn định trước đó cả năm. Bông Mai gắn bó cùng hai con và hiếm khi rời xa con. Mọi sinh hoạt đều đã hình thành những thói quen, cho nên để "cai" được con là một quá trình dài.
“Chúng tôi đã học cách cùng chia sẻ với nhau những mong muốn trong cuộc sống. Chúng tôi học cách làm bạn với nhau nên khi tôi chia sẻ mong muốn có một chuyến đi xuyên Việt dài ngày, các con đã rất ủng hộ. Ba mẹ con cùng nhau sắp xếp cuộc sống của mỗi người thế nào để cho những người còn lại yên tâm”, Bông Mai chia sẻ.
Nhưng chị cũng thừa nhận bản thân khá may mắn khi "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" để lên đường. Bởi các con đã đủ lớn để sống độc lập với những kĩ năng đã được trang bị. Con gái lớn của Bông Mai năm nay 21 tuổi nên khá độc lập và tự chủ khi bận rộn với việc đi học, đi làm thêm. Con trai của chị thì bước vào tuổi 15, đã nhập học môi trường quân đội nên cũng sống độc lập và quy củ.
“Tôi nghĩ mình đã thực hiện khá tốt việc chuẩn bị cho một quá trình gọi là "cai con" - quá trình dành cho những bậc cha mẹ bước vào tuổi trung niên, có con đến tuổi trưởng thành”, nữ nhà báo tự hào cho biết.
Con trai của nhà báo Bông Mai Nhà báo Bông Mai bên hai con Khi được hỏi trong suốt 99 ngày rời xa nhà và các con để độc hành, có lúc nào chị lo lắng, hối hận, hay có tư tưởng muốn “bỏ cuộc” quay về với các con? Bông Mai cho biết, chị đang thực hiện một hành trình mà ở đó các con cũng đang là người "đồng hành".
Con gái chị đã “đồng hành” cùng mẹ bằng cách hậu thuẫn cho chị xây dựng một team để xử lý các công việc hậu kì, thiết kế cuốn chiếu cho những tài liệu mà chị có được để đến khi hành trình kết thúc, chị không còn phải loay hoay với những gì mình đã ghi lại được.
“Tôi cũng muốn sự giúp đỡ của con gái như một cách để tôi dạy con mình cách sắp xếp từ công việc đến cuộc sống sao cho thật hài hoà. Những việc tưởng chừng rất nhỏ như sắp xếp hành lý, chuẩn bị đồ để lên đường cũng đòi hỏi sự tính toán kĩ lưỡng cho cả hành trình. Việc này cần người hiểu biết nhưng phải cực kì ngăn nắp, cẩn thận.
Đó là cách tôi chỉ cho con gái mình những gì người phụ nữ có thể độc lập theo cách họ muốn mà hạn chế nhiều thiếu sót nhất. Hơn nữa những giá trị văn hoá dân tộc mà tôi có được trong chuyến đi là những bài học về văn hoá của đất nước mình mà hiện nay thế hệ trẻ đang dần bị xa cách.
Con gái tôi cùng các bạn xây dựng một team rất trẻ để họ nhìn vào văn hoá truyền thống dưới góc nhìn của họ, nói lên tiếng nói của người trẻ về văn hoá. Tôi nghĩ những gì tôi làm không chỉ là cho cá nhân tôi, mà ngay cả các con cũng nhận được những giá trị của hành trình thông qua những gì tôi lưu lại. Đó là cách chúng tôi đã cùng nhau "đi", để không có sự cô đơn nào cho cả người đi và người ở nhà. Vì thế tôi nghĩ chúng tôi đã và đang thành công trong cách đồng hành cùng với nhau”.
Bông Mai cũng tiết lộ, 3 mẹ con tạo một nhóm chat để thường xuyên trao đổi thông tin với nhau, quy định về việc ai làm gì cũng cần cập nhật để mọi người cùng biết. Con trai của chị thì đã “luyện” được thói quen chủ động gọi điện hỏi thăm mẹ mỗi ngày chứ không phải chờ mẹ gọi. Đó là chuyển biến rất tích cực của cậu bé. Bên cạnh đó, 2 chị em ở nhà sẽ có những sự liên kết để chăm sóc nhau dù em đang học nội trú để mẹ yên tâm "rực rỡ"”.
Qua chia sẻ của nữ nhà báo, nhiều người thắc mắc liệu phụ nữ có nên “cai” con để dành cho mình không gian riêng, sống vì bản thân? Điều đó liệu có phải là liều thuốc cho con trưởng thành hơn và cho mình sống có ý nghĩa hơn? Nói về điều này, Bông Mai cho hay, khi chị kể với bạn bè việc “cai nghiện” con, nhiều người nghĩ chị đang tự vẽ ra một cái tên để gọi, một cách bao biện cho chuyến đi một mình rong ruổi khắp đất nước này.
“Nhưng thực sự tôi nghĩ đó chính là cách sống, cách tư duy rất đáng để chúng ta không biến mình thành gánh nặng của con cái sau này. Gần 20 năm nuôi con một mình tôi thấm lắm cái gọi là "nghiện con". Bạn thử nghĩ nếu một ngày một người mẹ đơn thân bỗng trở nên cô đơn vì các con trưởng thành, có cuộc sống riêng và rời xa mình thì người mẹ đó có thể tìm thấy niềm vui không? Tôi nghĩ sẽ khó và lâu để chấp nhận”, Bông Mai đặt câu hỏi khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Nữ nhà báo còn cho biết, 5 năm tới chị có kế hoạch đi du lịch vòng quanh thế giới kỉ niệm mốc 50 tuổi nên hiện tại chị cũng đã bắt đầu chuẩn bị những gì có thể giúp chị thực hiện điều này.
“5 năm phía trước là 5 năm tôi lo cho con cái ổn định công việc, học hành. Lúc đó con gái tôi đã đi làm, con trai tôi vào đại học thì chắc chắn chuyến đi vòng quanh thế giới không có gì là không thể thực hiện. Tôi muốn mình là người sống mang lại niềm vui, tích cực cho bản thân nhưng cũng là cho cả những người thân xung quanh mình.
“Cai nghiện” con để sống cuộc đời của mình không có nghĩa là bạn ích kỉ mà là bạn đang chấp nhận việc con cái lớn lên và mình đang già đi. Chấp nhận những sự thật rất hiển nhiên của tạo hoá mà không có những tiêu cực làm ảnh hưởng. Đối với tôi, chưa bao giờ tôi coi mình là người dạy con khôn lớn. Tôi luôn nói với con mình: "Mẹ đang học cách làm mẹ từ chính những thay đổi dù là tốt hay còn cần điều chỉnh của các con. Nên con hãy giúp mẹ làm tốt điều này!", Bông Mai chia sẻ.
Chị cũng nêu quan điểm: "Tôi thích cách đồng hành với con hơn là dạy dỗ. Chưa kể hiện tại các con dạy lại tôi rất nhiều điều, vì bắt đầu mình đang tụt hậu với thời đại số. Vì thế, chúng tôi đang học hỏi lẫn nhau để hoàn thiện bản thân mình".
Minh Châu
Ảnh: NVCC
">