Hàng Việt chiếm tỉ trọng cao trong danh mục bách hóa online
Thevẽbayern munich vso một nghiên cứu mới được iPrice công bố, hàng Việt bán chạy trong danh mục bách hóa online, chiếm tỉ trọng cao trên 2 sàn nội địa: Sendo có đến 81% sản phẩm thuộc nhà sản xuất trong nước và con số này ở sàn Tiki là 63%.
Số liệu thống kê về các mặt hàng bách hóa, nông sản đặc sản được thu thập từ danh mục bán chạy trong 3 trang đầu tiên từ các sàn Tiki.vn và Sendo.vn vào ngày 13/9. Số liệu thu thập thực tế trên sàn Sendo từ 1/1/2019 đến 31/8/2021 cho các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam và có từ khóa "Đặc sản" trong tên hoặc mô tả sản phẩm.
Báo cáo thương mại điện tử (TMĐT) quý II/2021 của iPrice và số liệu từ Google cũng cho thấy, lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng tới 223% so với quý trước đó. Số lượt tìm kiếm tăng 11 lần trong tháng 7 so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6 khi lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được triển khai tại một số tỉnh, thành phố. Tất cả cho thấy nhu cầu mùa dịch của khách hàng tập trung chủ yếu cho ngành hàng này.
Đáng chú ý, báo cáo iPrice ghi nhận các sản phẩm bán chạy trên 2 sàn nội địa còn có nông sản, đặc sản, chiếm 27% các sản phẩm bán chạy. Điều này cho thấy, những mặt hàng đặc sản và nông sản trên môi trường online đang dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn.
Số liệu thu thập thực tế trên sàn Sendo cho ngành hàng nông sản, đặc sản có nguồn gốc Việt Nam còn chỉ ra rằng số mặt hàng nông sản đặc sản Việt được bán trên sàn này đã tăng vọt 50% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong năm 2020, con số này cũng đã tăng 29% so với năm 2019.
Rõ ràng, ảnh hưởng của dịch trong hai năm 2020 và 2021 đã tạo nên những điều kiện kích thích sự phát triển của ngành nông nghiệp trực tuyến, cả về cung lẫn cầu. “Như vậy, bản đồ nông sản đặc sản, bách hóa Việt Nam trên sàn thương mại điện tử đã và đang được tô vẽ bởi các doanh nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển sau đại dịch, cần nhiều nỗ lực hơn nữa của các sàn và sự tạo điều kiện từ nhiều phía”, đại diện iPrice nhận xét.
Bên cạnh đó, liên tiếp trong 2 báo cáo TMĐT tháng 8 và 9, Reputa đều ghi nhận rằng, trong đại dịch Covid-19, phần lớn người dân cũng chuyển dần sang mua sắm trên các nền tảng trực tuyến nhằm đảm bảo giãn cách xã hội. Chính điều này đã và sẽ giúp hoạt động TMĐT nông sản trở nên sôi động, thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện chiến lược kỹ thuật số để tiếp cận người tiêu dùng; hỗ trợ tối đa người dân trong việc tiếp cận các thực phẩm thiết yếu, kết nối giải cứu nông sản Việt và đẩy mạnh các hoạt động vì cộng đồng trong thời điểm khó khăn.
Hai sàn Postmart, Vỏ Sò ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 30 – 35% trong thời gian qua, nhờ việc đẩy mạnh cung ứng hàng thiết yếu, nông sản. |
Với nhiều chiến dịch đưa nông sản Việt lên sàn hay bình ổn giá thông qua các combo thực phẩm tươi… triển khai liên tục từ tháng 7 đến nay, liên tiếp trong 2 tháng 8 và 9 năm nay, sàn Vỏ Sò của Viettel Post đều có tên Top 10 công ty TMĐT, với vị trí thứ 8 trong tháng 8 và xếp thứ 9 trong tháng 9.
Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, đến ngày 3/10, tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu được các doanh nghiệp bưu chính cung cấp tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội đã là 96.455 tấn. Riêng về nông sản, đặc sản mùa vụ của 19 tỉnh phía Nam đang giãn cách, tính đến ngày 17/9, các doanh nghiệp bưu chính, nhất là Vietnam Post và Viettel Post đã hỗ trợ tiêu thụ được 1.686 tấn nông sản và 39.900 quả dừa.
Đến nay, Vietnam Post và Viettel Post cũng đã hỗ trợ hơn 100.000 hộ nông dân đưa nông sản lên bán trên các sàn Postmart, Vỏ Sò. Đặc biệt, 2 sàn này cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 30 – 35% trong thời gian qua, nhờ cung ứng hàng thiết yếu, nông sản.
Chưa đến 20% top mặt hàng được tìm mua trên các sàn là hàng Việt Nam
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng của hàng Việt ở danh mục bách hóa online, nghiên cứu mới của iPrice cũng chỉ ra rằng, nhìn tổng thể, thị trường, các thương hiệu Việt Nam vẫn đang có phần lép vế trên kênh mua sắm trực tuyến.
Để thấy được vị thế của hàng Việt trên TMĐT, iPrice đã phân tích gần 1 triệu lượt click trên nền tảng này trong vòng 12 tháng qua, từ đó tìm ra sự khác biệt giữa các sản phẩm mang thương hiệu Việt so với sản phẩm có thương hiệu từ nước ngoài trên 4 sàn TMĐT đa ngành phổ biến gồm Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo.
Cụ thể, khi nghiên cứu top các mặt hàng được tìm mua từ các sàn TMĐT thông qua việc đếm số lượt tìm kiếm và click vào sản phẩm, iPrice đã phát hiện ra thực tế là các sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% các mặt hàng được tìm mua trên sàn TMĐT trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Ngược lại, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm nhất trên các sàn TMĐT là hàng ngoại nhập.
Đáng lo ngại hơn khi con số này còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021. Tỷ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt trong top 1.200 sản phẩm bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020.
Khi so sánh giữa các sàn, thương hiệu Việt được tìm mua nhiều nhất trên sàn TMĐT Sendo với tận 25% trong số 300 sản phẩm phổ biến trên sàn Sendo là hàng Việt Nam, theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).
Bước sang nửa đầu năm nay, các mặt hàng thuộc thương hiệu trong nước chỉ còn chiếm 14% các sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua, cho thấy một sự suy giảm rõ so với năm trước. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là 2 sàn Tiki (21%) và Sendo (16%).
“Dẫu vậy, thực tế số liệu đã cho thấy việc các sàn nội tạo điều kiện cho hàng Việt là một mặt nhưng để hàng Việt phổ biến hơn trên TMĐT thì cần xuất phát từ chính bản thân nỗ lực của doanh nghiệp trong nước”, chuyên gia iPrice nhận định.
Vân Anh
Vỏ Sò, Postmart đã hỗ trợ tiêu thụ gần 1.200 tấn nông sản cho các tỉnh phía Nam
Trong khoảng nửa tháng gần đây, 2 sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp bưu chính đã hỗ trợ tiêu thụ 1.181 tấn nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp tại 19 tỉnh, TP phía Nam đang giãn cách xã hội.