Yêu cầu tạm đóng cửa cơ quan lập pháp trong hơn một tháng, bắt đầu chậm nhất từ ngày 12/9 (tức vài ngày sau khi các nghị sĩ nhóm họp trở lại sau kỳ nghỉ) được coi là một nỗ lực khác thường của tân Thủ tướng Boris Johnson ngày 28/8 nhằm hạ gục các nghị sĩ chống đối trong quốc hội khi nước Anh đang cận kề hạn chót về Brexit. |
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AP |
Những tranh cãi giữa quốc hội và chính phủ về cách thức "ly hôn" Liên minh châu Âu (EU) kể từ cuộc trưng cầu dân ý cách đây hơn 3 năm từng khiến người tiền nhiệm ông Johnson - cựu Thủ tướng Theresa May phải cay đắng rời ghế lãnh đạo đất nước vì không thể thuyết phục các nghị sĩ chấp nhận thỏa thuận Brexit đạt được với EU hồi năm ngoái. Theo một số nhà phân tích, ông Johnson có vẻ không muốn bị dồn vào chân tường như bà May nên quyết định ra tay trước.
Động thái của tân thủ tướng tất nhiên đã làm dậy sóng chính trường Anh. Theo tờ Washington Post, các nhà lập pháp giận dữ tuyên bố cách này sẽ tập trung quyền lực vào tay ông Johnson và triệt phá khả năng của họ trong việc ngăn chặn quá trình Brexit không thỏa thuận. Một số người thậm chí còn đề cập tới một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Trong khi số khác cáo buộc, ông Johnson đã áp dụng một chiến thuật tàn nhẫn, sẵn sàng khai thác bất kỳ kẽ hở nào để tạo sự chia rẽ với EU và củng cố quyền lực.
Truyền thông Anh đưa tin, chính phủ của ông Johnson sẽ sắp xếp để Nữ hoàng đọc bài diễn văn do Phố Downing soạn thảo vào ngày 14/10 và không chậm trễ, Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 31/10 tới.
Giới phân tích nhận định, nếu Brexit diễn ra mà không kèm thỏa thuận chuyển giao, Anh có thể đối mặt với sự thiếu hụt lương thực và nhiên liệu. Tình trạng rối loạn kinh tế có thể lan tới những quốc gia EU, vốn tính cộng gộp đang là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Nhiều nhà quan sát lo ngại, nếu không có một đường biên giới cứng sau Brexit, bạo lực nhiều khả năng tái bùng phát ở Bắc Ireland. Và vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai ủng hộ ông Johnson và Brexit, việc Anh chia tay châu Âu do đó sẽ trở thành một cuộc sát hạch lớn đối với chủ nghĩa hoài nghi của Nhà Trắng về các thể chế đa phương và liên minh thương mại.
Tại Brussels, các nhà ngoại giao ngày càng tin rằng ông Johnson sẽ "dẫn dắt nước Anh ra khỏi vách núi mà không cần lưới bảo vệ an toàn bằng một thỏa thuận". Song, các nhà lập pháp châu Âu bày tỏ ngạc nhiên trước việc ông Johnson dám trắng trợn "trói tay" nghị viện với phần đông các nghị sĩ phản đối Brexit không thỏa thuận.
Phát biểu trước báo giới, tân thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ Anh phủ nhận mọi cáo buộc và giải thích rằng, ông muốn một phiên họp quốc hội mới để có thể trình bày "chương trình nghị sự vô cùng thú vị" của chính phủ. Ông nói thêm rằng, các nghị sĩ còn "dư dật thời gian" để tranh luận về Brexit.
Tuy nhiên, chẳng mấy người ở Anh, ngay cả các đồng minh chấp nhận cách giải thích của ông Johnson. Dominic Grieve, một nghị sĩ cùng đảng Bảo thủ với thủ tướng nói động thái của ông Johnson "chưa từng có tiền lệ" và tương đương một cuộc đảo chính. Ông Grieve tiết lộ sẽ cân nhắc bỏ phiếu chống lại chính đảng của mình nếu có bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Như thông lệ, Nữ hoàng ngày 28/8 đã phê chuẩn yêu cầu của thủ tướng khi bà đang có kỳ nghỉ tại dinh thự riêng Balmoral ở Scotland.
Giới quan sát cho hay, việc tạm đóng cửa quốc hội không phải chưa từng có ở Anh, nhưng quá trình này hầu hết xảy ra trong những năm Nữ hoàng có bài phát biểu trước quốc gia, thường vào tháng 5 hoặc tháng 6. Song, 5 tuần dừng hoạt động như lần này (12/9 -14/10) là khoảng thời gian gián đoạn hoạt động lâu nhất kể từ năm 1945. Các lần quốc hội ngừng hoạt động gần đây chỉ kéo dài trong vài ngày, chứ không phải vài tuần.
Đồng Bảng Anh đã ngap lập tức giảm gần 1% giá trị trao đổi so với đồng Euro sau tuyên bố chấn động của Thủ tướng Johnson trước khi phục hồi nhẹ sau đó. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn "thề" sẽ làm mọi cách để buộc chính phủ của ông Johnson phải chịu trách nhiệm cũng như ngăn chặn thảm họa Brexit không thỏa thuận.
Tranh cãi đã thu hút sự chú ý của Tổng thống Mỹ Trump, người đã gặp gỡ ông Johnson cuối tuần vừa qua tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp. "Sẽ rất khó để Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng Anh tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống thủ tướng. Boris (Johnson) chính xác là những gì nước Anh đang tìm kiếm và sẽ chứng minh là một vị lãnh đạo vĩ đại", ông Trump viết trên Twitter.
Thực tế, ông Corbyn và các thủ lĩnh đảng phái đối lập khác ở Anh từng thảo luận về việc thúc ép tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ Johnson trước cuối tháng 10 hoặc thông qua luật buộc ông Johnson phải tìm cách hoãn Brexit. Vì vậy, động thái mới nhất của thủ tướng đã cắt ngắn thời gian hành động của họ xuống chỉ còn vài ngày vào tuần tới hoặc ngay trước khi Brexit diễn ra.
Ngoài ra, vì sự rạn nứt nghiêm trọng giữa các lực lượng đối lập, hiện vẫn chưa rõ liệu họ có tiến hành bỏ phiếu cho một trong hai lựa chọn trên hay không. Nicola Sturgeon, người đứng đầu Đảng quốc gia Scotland cảnh báo, nếu các nghị sĩ không đồng lòng ngăn chặn thủ tướng vào tuần tới khi quốc hội nhóm họp trở lại sau kỳ nghỉ, ngày 28/8 "sẽ đi vào lịch sử như một ngày đen tối thực sự đối với nền dân chủ Anh".
Một thỉnh nguyện thư mới đăng tải trên trang web của Quốc hội Anh kêu gọi chính phủ ngưng đình chỉ hoạt động của cơ quan lập pháp đã nhanh chóng thu về hơn 100.000 chữ ký, số lượng cần thiết để động thái được đưa ra tranh luận tại quốc hội. Tính đến đêm 28/8, số người ký vào thỉnh nguyện thư đã lên đến gần 1 triệu và hiện vẫn tiếp tục tăng lên chóng mặt, dù việc đưa ra tranh luận tại quốc hội sẽ không dẫn đến một hành động pháp lý có tính ràng buộc.
Theo nhiều nhà phân tích, tân thủ tướng Anh đang đánh cược rằng những người phản đối Brexit không thỏa thuận sẽ không thể tập hợp đủ nhanh để có sự chống đối hiệu quả. Một cuộc tranh luận quá ngắn ngủi về Brexit có thể đẩy các nhà lập pháp, kể cả những người hoài nghi nhất, phải đứng trước hai lựa chọn đều có lợi cho ông Johnson: Chấp nhận giải pháp Brexit không thỏa thuận hoặc bỏ phiếu cho bất kỳ thỏa thuận mới nào ông Johnson đề xuất nhằm tránh kịch bản thứ nhất.
Việc ông Johnson buộc Quốc hội Anh phải chấp thuận một phương án Brexit có thể làm tăng cơ hội chính phủ của ông đạt được một thỏa thuận mới với EU.
Ngay cả khi Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm và ông Johnson thua trong cuộc bỏ phiếu đó, vẫn chưa rõ liệu ông Corbyn hay bất kỳ ai khác có thể thành lập một chính phủ thay thế hay không. Trong trường hợp Anh phải tổ chức tổng tuyển cử sớm, ông Johnson vẫn có thể vận động tranh cử với hình tượng một chính khách chống EU cứng rắn.
Dù kết quả về Brexit như thế nào sau động thái mới của Thủ tướng Johnson, một số người đánh giá ông đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho nước Anh khi lãnh đạo chính phủ có thể vận dụng các công cụ chính trị có trong tay để qua mặt cơ quan lập pháp, đẩy đất nước vào tình thế chia rẽ thêm trong bối cảnh khủng hoảng chưa từng có trong vài thập kỷ trở lại đây. Dư luận vẫn đang nín thở chờ xem cơn địa chấn rúng động đảo quốc sương mù và có thể cả châu Âu này sẽ kết thúc như thế nào.
Tuấn Anh
">