Một cửa hàng Bluetronics tại Campuchia.
Mang dịch vụ, trí tuệ Việt ra thế giới
Viettel, FPT đã gặt hái những thành công nhất định khi ra nước ngoài, còn Thế Giới Di Động (TGDĐ) là đại diện đầu tiên của ngành bán lẻ Việt Nam bước chân ra khu vực. Campuchia là thị trường đầu tiên trong hành trình chinh phục Đông Nam Á.
Bluetronics của TGDĐ hiện có khoảng 50 cửa hàng, bao phủ 13/25 tỉnh thành nước bạn. Chuỗi này đang đứng đầu Campuchia về số lượng cửa hàng và doanh số ở mảng bán lẻ công nghệ.
Thành công với mô hình kinh doanh trong nước khiến các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc đem dịch vụ, sản phẩm ra nước ngoài. Sau hơn 25 năm phục vụ thị trường Việt Nam với thế mạnh ở phần mềm kế toán, Misa hiện đang chiếm khoảng một nửa thị phần mảng này ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Năm năm trước, ban lãnh đạo công ty đã chọn phần mềm quản lý nhà hàng Cukcuk ra nước ngoài. Đến nay, sản phẩm Make in Vietnam này có mặt tại hơn 15 nước, trong đó có cả những thị trường rất khó tính như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Đức, Úc..., và nhiều thị trường ở Đông Nam Á.
Vinsmart cũng là câu chuyện tiến ra thị trường nước ngoài thần tốc. Sau khi có thị phần trong nước (xếp thứ 3 về doanh số smartphone), Vinsmart lập tức tiến ra nước ngoài, lấy 5G làm cốt lõi.
Điện thoại Vsmart ra mắt tại Tây Ban Nha.
Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó chủ tịch Vingroup & Tổng giám đốc Vinsmart khẳng định: 5G là cơ hội lớn nhất, rõ nét nhất với một tay chơi mới như Vinsmart. Đồng thời, Vinsmart cũng tương đồng về điểm xuất phát với hầu hết các công ty công nghệ hay nhà sản xuất trong hệ sinh thái 5GC. Công ty này đã dốc hàng chục triệu USD đầu tư xây dựng đội ngũ nghiên cứu và phát triển, mua bản quyền công nghệ 5G, đủ để tự chủ cả về thiết kế lẫn sản xuất thiết bị phục vụ hệ sinh thái 5G.
Hiện nay, điện thoại Vsmart đã có mặt ở các thị trường Tây Ban Nha, Nga, Myanmar, Mỹ.
Câu chuyện vươn ra thế giới của doanh nghiệp Việt không chỉ diễn ra ở các tập đoàn hàng đầu mà ngay tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
HMGpop khởi nghiệp từ năm 2013. Từ việc bán thiệp nổi 3D cho những cửa hàng nhỏ, HMGPop bắt đầu lên các kênh bán hàng online, dần trở thành một trong ba doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam chuyên cung cấp thiệp 3D.
Trên Amazon, mặt hàng của công ty thường xuyên giữ vị trí top đầu tại mục Thiệp, đỉnh điểm có những ngày giao dịch lên tới 1.300 đơn hàng. Công ty cũng ghi nhận mức tăng trưởng trên Amazon vào năm 2020 so với năm 2019 là 100%, và doanh số từ Amazon chiếm 30% tổng doanh thu.
Ném đá dò đường
Dễ thấy FPT, Viettel, Thế Giới Di Động, hay Vinsmart đều là những tập đoàn tiên phong khi vươn ra thị trường nước ngoài. Hầu hết đều phải dò dẫm từng bước.
Vào thời điểm Thế Giới Di Động tham gia thị trường Campuchia, các cửa hàng xách tay và điện thoại nhập tiểu ngạch vẫn đang chiếm thị phần lớn ở đây. Việc phải nhập hàng chính hãng, bán theo giá niêm yết khiến chuỗi BigPhone gặp trở ngại khi cạnh tranh. Họ đã không ngừng thử và sai, để tìm hình mẫu phù hợp, sau đó nhân rộng trên quy mô lớn.
Khi Thế Giới Di Động chập chững ra nước ngoài thì FPT đã có kinh nghiệm 20 năm toàn cầu hoá. Họ cũng phải chấp nhận làm những việc ở chuỗi giá trị thấp. Để vượt rào cản lớn là ngôn ngữ, công ty đã phải bổ sung, nâng cao chất lượng nhân sự thông qua việc triển khai các chương trình đào tạo tiếng Nhật cho nhân viên.
Hiện nay, doanh nghiệp này đã đưa chương trình dạy tiếng Nhật vào các đại học, học viện của mình. Kết quả, FPT hiện là công ty CNTT nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại Nhật Bản với hơn 1.500 người đang làm việc trực tiếp tại 11 văn phòng tại nước này, hơn 7.000 nhân viên tại Việt Nam tham gia triển khai các dự án cho khách hàng Nhật Bản.
Nhân viên FPT tại văn phòng Manila, Philippines.
Trong lĩnh vực sản xuất di động, hãng điện thoại thương hiệu Việt Mobiistar hồi giữa năm 2018 cũng đã dấn thân sang thị trường Ấn Độ. Smartphone Mobiistar bán trên Flipkart, trang thương mại điện tử lớn nhất tại Ấn, và có hệ thống bảo hành, đại lý tại nhiều nơi ở Ấn. Tuy nhiên, hãng này buộc phải bỏ thị trường tỉ dân một năm sau do đối tác rót vốn bị phá sản.
Một tên tuổi Việt có bước tiến nhanh ở thị trường nước ngoài là Vinsmart.C ũng như các doanh nghiệp đi trước, Vinsmart có các bước đi thăm dò khá vững.
Đầu tiên, hãng này bán smartphone tại Tây Ban Nha, quốc gia quê hương của BQ – đối tác mà Vinsmart đã mua lại phần lớn cổ phần. Sau đó, hãng lấn sân Myanmar – nơi hãng hợp tác với nhà mạng Mytel (Viettel) và một nhà mạng nội địa. Vinsmart cũng sang Nga trước khi chính thức nhảy vào thị trường khó tính nhất nhì thế giới – Mỹ. Tại Hoa Kỳ, Vinsmart sản xuất 3 mẫu smartphone cho AT&T với giá bán từ 39 USD đến 89 USD.
Chuyển đổi số tạo thế mạnh cạnh tranh
Trước khi chuyển đổi số trở thành mục tiêu phát triển tại Việt Nam và toàn cầu, Thế Giới Di Động đã xây dựng hệ thống công nghệ để quản lý các chuỗi bán lẻ. Thời điểm 2004-2005, khi các doanh nghiệp còn dùng Excel để quản lý thì chuỗi này đã đầu tư hệ thống công nghệ, chỉ để quản lý vài cửa hàng tại TP.HCM. Sau đó, nền tảng công nghệ đã giúp chuỗi này mở rộng thần tốc.
Chuyển đổi số cũng là nền tảng được FPT nhắc đến như một yếu tố nâng cao cạnh tranh.
Ba năm trước, FPT mua Intelinet, công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ để xây dựng năng lực hướng đến mục tiêu trở thành công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Để sẵn sàng về nguồn lực, FPT mở những trung tâm lớn tại Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Costa Rica nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài cả về số lượng nhận sự lẫn thời gian triển khai dự án.
Chủ động chuyển đổi số, với lực lượng CNTT được thế giới công nhận, cộng với những thành quả về phòng chống Covid-19, các doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội lớn trên sân chơi toàn cầu, như tinh thần mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại một diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam: "Việt Nam là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu, giải các bài toán toàn cầu. Sử dụng công nghệ nhân loại sẽ đưa Việt Nam ra thế giới".
">