|
Chân dung nhà kinh tế trẻ Lý Sơn- Thierry, người Pháp gốc Việt. |
Vì bình đẳng trong học đường
Đến hẹn lại lên, từ nhiều năm nay, cứ đến cuối tháng 8, báo chí Pháp lại nói đến hoạt động độc đáo của sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Ecole Normale Supérieure (ENS), đại học uy tín hàng đầu mà cuộc thi tuyển sinh, sau hai năm dự bị, thuộc loại gian nan nhất.
Khởi đi từ tình trạng bất bình đẳng xã hội trong học đường, mà điển hình là ENS với tỷ lệ 80% sinh viên xuất thân từ những tầng lớp xã hội cao, một nhóm sinh viên ENS, từ năm 2006 đã đề ra chương trình mang tên Talens (Tutorat d’Accompagnement Lycéen de l’ENS) - đề án phụ đạo miễn phí cho học sinh trung học, nhằm giúp đỡ con em những tầng lớp xã hội thấp có cơ hội học hành bình đẳng ở đại học. Hàng năm, 300 học sinh tình nguyện thuộc các lớp 11 và 12 của mười hai trường trung học khó khăn ở ngoại ô Paris được tham gia đề án này, do 60 sinh viên ENS đảm đương thiện nguyện.
Talens không phải là chương trình kèm học hay luyện thi tú tài. Mục tiêu của nó sâu rộng, lâu dài hơn: kích thích ham muốn học hỏi và hỗ trợ học sinh thực hiện ham muốn đó đến tận cấp đại học. Tiêu chuẩn chọn học sinh tham gia đề án vì vậy không nhất thiết trên học lực, mà ưu tiên trên ý muốn và tiềm năng học. Nội dung của chương trình cũng không theo môn, mà cấu trúc theo chủ đề liên ngành, cho phép học sinh trau dồi phương pháp khoa học và vốn văn hóa, là hai lĩnh vực biểu hiện rõ nhất bất bình đẳng xã hội trong học đường.
Ba chủ đề học tập của những năm vừa qua làKhoa học lập luận như thế nào? Nghệ thuật biểu hiện thế giới như thế nào? Con người cá thể hội nhập vào thế giới như thế nào?
Năm nay, bốn chủ đề đưa ra là gia đình, chính trị, năng lượng tái tạo, gen người.Chương trình đào tạo diễn ra hai năm, các học sinh được chia thành nhóm 5-6 người, hàng tuần có một buổi học do sinh viên phụ đạo hướng dẫn. Ngoài các buổi học trong năm, điểm đặc sắc của Talens là khóa hè nội trú. Mỗi năm, vào cuối tháng 8, ngôi trường cổ kính ENS ở khu Latinh lại mở cửa đón tiếp hàng trăm học sinh trung học đến ở, ăn, học miễn phí trong suốt một tuần với đội ngũ phụ đạo. Bên cạnh những buổi lên lớp chuẩn bị tựu trường, học sinh còn hoạt động sân khấu, nghe hòa nhạc, xem triển lãm... nhằm hình thành cảm xúc nghệ thuật và khả năng phê bình. Talens gọi đó là “trường học của khán giả” (l’école du spectateur).
Năm nay, có điều gì khác chăng là Le Mondedành hẳn một trang báo để giới thiệu người thiết kế đề án Talens: Lý Sơn - Thierry, 27 tuổi, gốc Việt Nam đậu vào trường năm 2006, hiện chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ.
Theo bài báo, năm 2010, Sơn - Thierry đã thuyết phục trường ENS thiết lập những chương trình vì bình đẳng trong đào tạo trung học và đại học, gọi là PESU (Programmes pour l’Egalité Scolaire et Universitaire). Chương trình được thông qua, chàng sinh viên 23 tuổi được ban giám hiệu bổ nhiệm phụ trách văn phòng PESU, với nhân viên và kinh phí riêng biệt. Từ đó, Talens không chỉ là đề án của một hội sinh viên mà trở thành chương trình chính thức của PESU.
Nhưng con người “hành động” đó không dừng lại. Để với tới đối tượng học sinh trung học ở ngoài vùng Paris, Sơn - Thierry thiết kế đề án thứ hai mang tên Perspectives (Viễn tượng), có mục tiêu tương tự Talens nhưng sử dụng hình thức học qua hội nghị truyền hình (videoconference), và các công cụ học tập trực tuyến (e-learning). Cho đến nay đã có 15 trường trung học trên khắp nước Pháp hợp đồng với ENS, để học sinh của mình được hưởng chương trình hoàn toàn miễn phí này.
Hành động và thử nghiệm
Sinh ra từ một gia đình đến Pháp năm 1976, lớn lên ở một khu đô thị bình dân thuộc ngoại ô Bắc Paris, Sơn - Thierry, sau bằng tú tài ban khoa học hạng tối ưu, đã chọn học ngành y, “bởi đối với mẹ tôi, con phải là bác sĩ thì gia đình mới tìm lại được vị trí xã hội đã mất khi rời khỏi Sài Gòn”. Tuy nhiên, sau khi đậu thủ khoa năm nhất ngành y, Sơn - Thierry lại thi tuyển và đậu vào trường ENS, với ý đồ không chỉ hướng đến ngành sinh học mà còn có cơ hội khám phá các ngành khoa học xã hội, “khắc phục thiếu sót về vốn văn hóa”.
Cử nhân sinh học, master 1 về xã hội học, master 2 về kinh tế học, Sơn - Thierry giải thích quá trình đào tạo đa diện của mình như sau: “Tôi thích xã hội học vì nó cho phép hiểu xã hội một cách tinh tế. Nhưng tôi mê kinh tế học bởi đó là bộ môn hành động, thật sự có ích cho các chính sách công”. Để thỏa đam mê, anh chọn làm luận án tiến sĩ về kinh tế học giáo dục, trên chủ đề bất bình đẳng trong học đường Pháp - một hiện tượng bắt nguồn không chỉ từ yếu tố cá nhân, mà còn do yếu tố môi trường xã hội lẫn chính sách giáo dục.
Bằng phân tích thống kê học và kinh trắc học (econometrics), Sơn - Thierry chứng minh vai trò của những định chế giáo dục và quy chế học đường làm tăng, hoặc làm giảm bất bình đẳng trong sự hình thành các tầng lớp ưu tú. Theo nhận xét của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD, trong các nước phát triển, Pháp là nơi nguồn gốc xã hội ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả học tập của học sinh. Hơn thế, thay vì có tác động giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, hệ thống học đường Pháp lại có xu hướng khuếch sâu thêm.
“Hành động” luôn luôn là mệnh lệnh thiết yếu trong tư duy của Sơn - Thierry, cho nên những chương trình vì bình đẳng trong học đường do anh sáng lập được ENS thể chế hóa khiến anh hãnh diện nhất. Theo Marie Darrason, cựu sinh viên ENS, tiến sĩ triết học và là bạn gái của Sơn - Thierry, anh “có sức mạnh của những người cho rằng họ có nhiệm vụ vượt khỏi con người họ. Như là tìm cách cải tổ học đường và xã hội, cho thanh thiếu niên nghèo, đặc biệt con em các gia đình nhập cư có thể thành đạt hơn. Và khi đương đầu với thách thức, anh vận dụng mọi nguồn lực có thể - không chỉ về khoa học mà còn chính trị và cả kinh doanh nữa - để hành động và thử nghiệm”.
Ngay khi chưa hoàn tất luận án, nhiều công trình nghiên cứu của Sơn - Thierry đã gây tiếng vang trong giới giáo dục. Ví như một hiện tượng mọi học sinh đều trải nghiệm, nhưng nhà trường không lưu ý: Mối liên hệ giữa kết quả học của một học sinh với số bạn trong lớp nó quen biết. Sơn - Thierry xác chứng tương tác nhân quả này trong một đề án khảo cứu quá trình học của 28.000 học sinh trung học từ cấp II lên cấp III. Thí dụ, đối với một học sinh nghèo khó, nguy cơ ngồi lại lớp 10 giảm 1% khi trong lớp nó có được một bạn quen từ lớp 9. Với những kết luận có tính định lượng như vậy, Sơn - Thierry hy vọng làm sáng tỏ một vấn đề đặt ra mỗi năm cho các hiệu trưởng khi sắp xếp lớp học: Có nên xé lẻ không những nhóm bạn học đã quen biết nhau, như cái cách lâu nay của nhiều trường trung học? Hơn thế, chú ý quan hệ quen biết giữa học sinh với nhau là biện pháp cải thiện kết quả học tập không hề tốn kém!
Vẫn lại với tư duy “hành động”, Sơn - Thierry, cùng với vài bạn học còn cho ra đời doanh nghiệp mang tên Gryzz-Lab, sản xuất dụng cụ kỹ thuật số trong đào tạo, học tập và trò chơi giáo dục. Tham gia tổ chức phi chính phủ Thư viện không biên giới (Bibliothèque sans frontières), Sơn - Thierry hiện góp tay xây dựng phiên bản tiếng Pháp (khai trương đầu tháng 9) của Khan Academy - trang mạng đào tạo trực tuyến miễn phí trên khắp thế giới.
Không chỉ là trang báo lớn với bức hình thật đẹp, nhật báo Le Monde còn đầy tin vọng khi tự hỏi: “Còn ngày mai? Anh sẽ nhận một nhiệm vụ trong bộ máy của Chính phủ Pháp, hay sẽ đầu tư trí tuệ vào phát triển doanh nghiệp?”. Rồi rằng: “Bất luận anh chọn con đường nào, người ta sẽ nói nhiều đến anh trong những năm tới đây”. Còn với người viết bài này, và có lẽ với nhiều người Việt trên nước Pháp, cái tên Sơn - Thierry đã trở thành ám ảnh mong đợi.
(Theo Hải Anh/Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
">