Nguyễn Danh Tùng (Thanh Xuân,éttuyểnsớmbịsiếtnamsinhđạtSATvẫnlotrượtđạihọtin tuc 24h the thao Hà Nội) chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học sớm từ lớp 10. Nam sinh học SAT, IELTS và "cày" học bạ. Hiện tại, Tùng có chứng chỉ SAT 1.450. Em sẽ thi IELTS vào cuối tháng 12 tới với mục tiêu 7.0. Điểm trung bình 4 học kỳ của Tùng ở 3 môn toán, lý, hóa đạt 8,7-8,9.
"Mục tiêu hàng đầu của em là Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Nguyện vọng 2 là Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi có kết quả SAT 1.450, em đã rất sung sướng vì gần như cầm chắc suất đỗ vào trường mơ ước.
Năm ngoái, trường Kinh tế quốc dân chỉ có 12/66 ngành lấy cao hơn mức này. Nhưng hiện tại, nếu các trường chỉ còn 20% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, chỉ tiêu dành cho phương án xét tuyển SAT chắc chắn sẽ bị thu hẹp lại. Em nghĩ điểm của mình không có cơ hội vào trường", Tùng bày tỏ.
Tùng thừa nhận hơn một tháng qua em có tâm lý xả hơi. Em vẫn tham gia lớp tăng cường toán, lý, hóa ở trường nhưng không quá tập trung. Song tuần trước, Tùng đã đăng ký 1 lớp học ôn thi ở trung tâm với tần suất 2 buổi/tuần/môn, học kín các chiều tối từ thứ 2 đến thứ 7.
Tùng lo lắng sẽ không kịp chạy đua với các bạn vốn tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT từ lớp 10.
"Em sẽ tìm kiếm thêm một số trường có phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp SAT và IELTS. Mong muốn hiện tại của em là các trường sớm công bố đề án tuyển sinh để chúng em có phương hướng học tập tập trung", Tùng nói.
Cô N.T.T.H., giáo viên dạy toán tại Hà Nội, cho biết tâm lý học sinh trong lớp có sự xáo trộn từ khi có thông tin về việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm.
Lớp cô H. chủ nhiệm có 48 học sinh thì 40 học sinh dự định xét tuyển sớm. Chỉ 8 học sinh sẽ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để dự tuyển đại học, trong đó có 3 học sinh dự định thi ngành Y.
"Cuối tuần rồi, tôi thức đến 12h đêm để trả lời các câu hỏi băn khoăn của phụ huynh về hướng đi tiếp theo nếu quy định mới về xét tuyển sớm được thông qua. 40 học sinh sẽ bắt buộc phải ôn tập thi tốt nghiệp THPT, xem đây là mục tiêu sát sườn chứ không thể xem là kỳ thi điều kiện như trước.
Tôi đang căng mình tìm giải pháp ôn thi cho các con trong bối cảnh thời gian không còn nhiều nữa.
Trong khi ấy, học sinh có dự định xét tuyển sớm vẫn phải ôn luyện các chứng chỉ mục tiêu chứ không thể bỏ ngang, phòng trường hợp các trường vẫn giữ nguyên phương án tuyển sinh như năm trước.
Việc phải học cùng lúc quá nhiều môn, chuẩn bị quá nhiều điều kiện khiến tâm lý các con mệt mỏi và hoang mang", cô H. tâm sự.
Cô Hoàng Thị Hoa - giáo viên dạy Hóa tại Hải Dương - chia sẻ, dù đại đa số học sinh tại trường tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, song áp lực cho cả thầy lẫn trò vẫn rất lớn.
"Nếu các trường nới rộng chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT theo yêu cầu của Bộ, cơ hội vào đại học tốt của các em có thể cao hơn.
Tuy vậy, chưa có bất kỳ phương án nào được chốt vào thời điểm này. Học sinh dự định xét tuyển sớm hay học sinh dự định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT đều căng thẳng như nhau. Có chăng là nhóm thứ hai ít xáo trộn hơn", cô Hoa nhận định.
Cô Hoa cho biết thêm, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khác hoàn toàn so với trước nên học sinh lớp 12 năm nay phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực.
Các sĩ tử có chưa đầy 1 năm làm quen với định dạng đề mới. Giáo viên bỡ ngỡ vì phải thay đổi cách dạy, cách ôn. Nguồn tài liệu đề thi theo định dạng mới ít ỏi khiến công tác làm đề, tìm kiếm tài liệu của giáo viên trở nên thách thức.
"Trong hoàn cảnh này, mọi thay đổi liên quan đều làm tăng thêm áp lực cho cả thầy lẫn trò", cô Hoa nêu quan điểm.
Cùng suy nghĩ, cô N.T.T.H. bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng các quy định mới từ năm sau để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị tốt hơn.