Sau khi chạm đáy kể từ khủng hoảng tài chính 2008-2009, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng bằng lần, kể cả khi so với trước khủng hoảng. Down Jones tăng từ 7.700 điểm lên mức đỉnh hiện tại hơn 42.400 điểm, mức này gấp hơn ba lần so với trước khủng hoảng tài chính. S&P 500 vọt lên 5.700 điểm so với vùng hơn 1.000 điểm vào đầu năm 2009.Tại các thị trường chứng khoán châu Á, mức tăng không ở ngưỡng hai con số thì cũng tính bằng số lần. Nikkei 225 của Nhật Bản chạm đáy 7.400 điểm vào tháng 2/2019, hiện đạt hơn 39.600 điểm. Con số này cũng cao hơn gấp đôi so trước khủng hoảng (17.400 điểm). Kospi của Hàn Quốc tăng từ 1.100 lên hơn 2.600 điểm. SET Index của thị trường Thái Lan ra khỏi khủng hoảng tài chính 2008 với mức hơn 440 điểm, hiện đạt hơn 1.400 điểm.
Việt Nam, thị trường thường được khối ngoại đánh giá là hấp dẫn hàng đầu khu vực, gần hai thập kỷ đi ngang. Nếu so với mức đáy sau khủng hoảng kinh tế, chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi. Nhưng nếu so với chính mức đỉnh trước đó, VN-Index gần như "giậm chân tại chỗ". Chỉ số của sàn HoSE trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2021, sau hơn một thập kỷ, vươn lên trên 1.500 điểm rồi điều chỉnh. Hiện tại, VN-Index vẫn loanh quang khu vực 1.200 - 1.300 điểm, không chênh quá nhiều so với mức trước khủng hoảng kinh tế.
Tại sao chứng khoán Việt Nam chững lại gần hai thập kỷ? "Lý do đầu tiên là thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư cá nhân", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta nói với VnExpress.
Theo chuyên gia này, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân cao có thể xem là một đặc thù của thị trường Việt Nam, chiếm gần 90% giao dịch hàng ngày. Một đặc điểm của nhóm này đầu tư theo đám đông, bị chi phối về tâm lý, dẫn tới việc tham gia và rút lui với tốc độ nhanh.
2021, khi VN-Index đạt kỷ lục hơn 1.500 điểm, nhóm nhà đầu tư F0 (những nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường) chiếm tỷ trọng cao. Lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục lập đỉnh, từ bà bán rau tới những người làm việc văn phòng đều nói về câu chuyện chứng khoán. Nhưng một năm sau đó, VN-Index giảm sâu với nhiều phiên "trắng bảng bên mua" khi thị trường hứng chịu đà bán tháo ồ ạt. Những F0 tham gia trước đó một năm chỉ số ít trụ lại.
"Việc phụ thuộc quá nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ dẫn đến mức độ biến động thị trường cao. Lúc thị trường FOMO thì thanh khoản rất cao nhưng khi đám đông chán nản, rời bỏ thị trường, thanh khoản gần như mất hút. Thị trường thiếu động lực bền vững để duy trì", Giám đốc phân tích Yuanta nhận xét.
Nguyên nhân thứ hai là câu chuyện của khối ngoại. Theo ông Nguyễn Duy Anh - Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), áp lực bán ròng từ khối ngoại cũng là một yếu tố quan trọng khiến VN-Index chưa thể thoát khỏi vùng giá đi ngang quanh 1.200-1.300 điểm. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3 tỷ USD.
"Việc này không chỉ tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu mà còn gây ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường, khi dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại - vốn được coi là yếu tố hỗ trợ thanh khoản và tăng trưởng bền vững - chưa quay trở lại mạnh mẽ", ông Duy Anh nhận xét.
Việc khối ngoại "đánh nhanh, rút gọn" tại thị trường Việt Nam, theo ông Thế Minh, do các yếu tố của thị trường không không đủ hấp dẫn.
Định vị ở nhóm cận biên khiến Việt Nam chỉ xếp ở nhóm thị trường đầu cơ, theo Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta. Khối ngoại sẽ không thể đặt kỳ vọng dài hạn, đầu tư ổn định vào một thị trường xếp ở nhóm này. Trong khi đó, cấu trúc thị trường, loại hàng hóa cũng không đủ phong phú để giữ chân các quỹ đầu tư lớn. Đặc biệt là sự thiếu vắng sự đa dạng cổ phiếu bluechip và các loại sản phẩm tài chính.
Như thị trường Thái Lan, quy mô số lượng cổ phiếu của họ chỉ bằng 1/3 Việt Nam, nhưng vốn hóa gấp khoảng 6 lần. Tức, số lượng mã cổ phiếu vốn hóa lớn của Thái Lan gấp nhiều lần Việt Nam.
"Nhóm bluechip hiện tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam áp đảo bởi cổ phiếu ngân hàng, thiếu đi sự xuất hiện của những ngành khác. Đó thực sự là một vấn đề", ông Minh nhận xét. Như giai đoạn đầu năm nay, khi cơn sốt cổ phiếu công nghệ lan rộng trên toàn cầu, lực đẩy cho các thị trường lớn phần lớn dựa vào nhóm này, nhưng trên thị trường Việt Nam, nhóm VN30 chỉ có duy nhất FPT là cổ phiếu công nghệ. "Thiếu những doanh nghiệp bluechip ở nhóm phi tài chính là nguyên nhân Việt Nam đứng ngoài cơn sóng của thị trường tài chính đầu năm nay".
Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia phân tích thị trường, cũng nêu quan điểm tương tự. Thị trường hiện tại được chi phối chủ yếu ở hai nhóm ngân hàng và bất động sản - chiếm khoảng một nửa vốn hóa thị trường.
"Thị trường có thể được định giá cao hơn hay không (tức có tăng trưởng không) phụ thuộc nhiều vào việc giảm rủi ro ở hai nhóm cổ phiếu này. Nếu kết quả kinh doanh quý III sắp được công bố cho ra bức tranh tích cực, VN-Index có nhiều khả năng tăng trưởng", ông Phương nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, thiếu các sản phẩm tài chính cũng là nguyên nhân cùng với câu chuyện "hàng hóa" của thị trường. Các sản phẩm phái sinh cho tới hiện nay trên thị trường chứng khoán mới chỉ có hợp đồng tương lai VN30 và các sản phẩm chứng quyền. Những công cụ mang tính phòng ngừa rủi ro như "bán khống" vẫn chưa được áp dụng.
Minh Sơn - Tất Đạt
">