Đừng bỏ bữa sáng, bởi đó là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Ít nhất, đó là điều mà đa số mọi người đã được dạy và tin tưởng từ bé cho tới lớn. Nhưng chúng ta cũng biết rằng khoa học dinh dưỡng thay đổi theo từng ngày. Và bây giờ có nhiều nghiên cứu cho rằng nhịn ăn mới là tốt.Có nhiều hình thức nhịn ăn khác nhau. Đầu tiên và phổ biến nhất có lẽ là nhịn ăn sáng. Nghiên cứu cho thấy nhịn ăn sáng có thể hỗ trợ việc giảm cân nhanh, nhờ vào việc calo được đốt cháy hiệu quả hơn.
Nhiều người thì lựa chọn nhịn ăn tối, chiến thuật được gọi là 16/8. Điều này có nghĩa là trong mỗi khoảng thời gian 24 giờ, bạn sẽ nhịn ăn trong 16 giờ và chỉ ăn sáng và ăn trưa trong một cửa sổ 8 tiếng.
Một số lợi ích được báo cáo của các hình thức nhịn ăn bao gồm giảm viêm, giảm lượng đường trong máu và thậm chí kéo dài tuổi thọ - mặc dù điều cuối cùng mới chỉ được chứng minh với thí nghiệm trên chuột.
Không lâu sau khi mọi người bắt đầu tự hỏi liệu thời gian nhịn ăn lâu hơn có mang lại kết quả rõ rệt hơn hay không. Và thế là trào lưu nhịn ăn ở thung lũng Silicon ra đời, với những CEO nhịn ăn tới 36 tiếng đồng hồ, thậm chí 3-7 ngày liền.
Vậy giả sử bạn có ý định nhịn ăn trong 72 tiếng đồng hồ, hãy tham khảo trước với các chuyên gia dinh dưỡng, để xem trong khoảng thời gian đó, điều gì sẽ xảy ra với cơ thể bạn:
1. Bạn sẽ đói, tất nhiên, nhưng dần dần sẽ đỡ
Nhiều người coi việc bỏ bữa sáng không phải vấn đề gì quá to tát, mặc cho điều đó khiến họ khó tập trung và phải tìm đến sự cứu trợ của cà phê. Bỏ cả bữa trưa nữa thì sẽ rắc rối hơn, giữa buổi chiều, não bộ của bạn sẽ la hét và đòi bạn phải tiếp nhiên liệu cho nó.
Không chỉ có vậy, cơn đói sẽ biến bạn thành một con quái vật dễ cáu kỉnh, cho đến khi ai đó xung quanh nhận thấy họ không thể chịu đựng nổi bạn thêm nữa và lấy một chiếc bánh nhét vào mồm bạn.
Một nghiên cứu gần đây muốn xem xét lý do tại sao cơn đói có thể khiến bạn cáu gắt. Và các nhà khoa học phát hiện đó có khả năng là hậu quả của việc mất cân bằng nội môi trong não, gây ra các phản ứng phức tạp ảnh hưởng lên tương tác sinh học điều khiển cảm xúc và cá tính của bạn.
Tất cả các phản ứng này cộng hưởng với mức năng lượng xuống cực thấp sẽ khiến cho đoạn đầu của chặng đường 72 giờ nhịn ăn cực kỳ gian nan.
Nhưng nếu bạn có thể vượt qua giai đoạn khổ ải của ngày đầu tiên này, mọi thứ sẽ được cải thiện hơn vào hai ngày sau. Jason Fung, bác sĩ chuyên khoa thận tại Toronto và là đồng tác giả của cuốn sách hướng dẫn nhịn ăn "The Complete Guide to Fasting" cho biết:
Từ ngày thứ hai trở đi và các ngày sau đó, cơn đói sẽ giảm, bằng chứng là các nghiên cứu sinh lý đều phát hiện nồng độ ghrelin giảm dần qua nhiều ngày nhịn ăn. Fung giải thích ghrelin là một loại hooc-môn khiến bạn cảm thấy đói. Nó được tiết ra khi dạ dày trống. Nhưng phản ứng này giảm dần khi thời gian nhịn ăn càng dài.
2. Hơi thở có mùi là quá trình nhịn ăn có hiệu quả
Khi bạn không cung cấp thêm nhiên liệu vào cơ thể, nó buộc phải sử dụng chất béo để thay thế cho glucose đã cạn kiệt. Fung nói rằng cơ thể của bạn rơi vào trạng thái ketosis - đốt chất béo để lấy năng lượng.
Một hệ quả của quá trình này là nó sinh ra xeton, chất hóa học này sẽ được giải thoát khỏi cơ thể bạn thông qua hơi thở. Nó sẽ có một mùi đặc trưng, như trái cây và sơn móng tay.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơi thở xeton là dấu hiệu đáng tin cậy cho biết cơ thể bạn đã đi vào chế độ đốt cháy chất béo.
3. Bạn sẽ giảm cân nhưng đừng trông chờ quá
Trong quá trình nhịn ăn, cơ thể bạn sẽ giải phóng glycogen, những phân tử đường được dự trữ trong gan và cơ bắp. Quá trình này đi đôi với việc mất nước, khiến bạn giảm cân nhanh chóng, Fung cho biết. Sau quá trình giảm cân từ nước do giải phóng glycogen, bạn mới giảm được chất béo.
Nhịn ăn 72 tiếng đồng hồ chỉ có thể đốt cháy khoảng 0,7 kg chất béo mà thôi. Cho nên, nếu bạn thấy cân nặng mình có giảm đi nhiều hơn thế thì cũng đừng vội mừng. "Nhiều khả năng cân nặng của bạn giảm do nước chứ không phải chất béo, trong quá trình nó vẫn sử dụng glycogen dự trữ làm nhiên liệu", Amy Shapiro, một chuyên gia dinh dưỡng ở New York cho biết.
4. Cơ thể tự động được đưa vào chế độ bảo tồn giống nòi
Theo quan niệm truyền thống, nhịn ăn 3 ngày không phải là một điều gì đó thông minh. Ở những thời điểm nhất định hoặc ở những nơi xảy ra nạn đói, nhịn ăn có thể bị coi là ngu ngốc. Tuy nhiên, khoa học ngày nay dường như chỉ ra điều ngược lại.
Thực tế mà nói, 72 tiếng đồng hồ chỉ là một thời gian ngắn so với sức chịu đựng tối đa của cơ thể khi hoàn toàn không có thức ăn. Một bài xã luận được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh cho thấy con người có thể tồn tại mà không cần thức ăn trong 30-40 ngày, miễn là chúng ta uống đủ nước.
Với điều kiện bạn có thể ăn trở lại vào ngày Thứ Năm, việc khóa tủ đựng thức ăn vào ngày Thứ Hai còn có thể mang lại một số lợi ích.
Trong một thử nghiệm trên động vật, các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale đã tiêm ghrelin vào chuột và thấy rằng hiệu suất thực hiện các bài kiểm tra học tập và trí nhớ của chúng tăng tới 30%. Một nghiên cứu khác tại Đại học Swansea cũng bổ sung hooc-môn này vào tế bào não chuột trong ống nghiệm. Họ nhận thấy việc làm này bật một gen kích hoạt các tế bào não phân chia và nhân lên.
Như đã đề cập, việc sản xuất ghrelin giảm dần sau một vài ngày bạn nhịn ăn. Nhưng trước thời gian đó, nồng độ hooc-môn này sẽ tăng và đạt đỉnh, kích thích sự hoạt động và gia tăng hiệu quả làm việc của não bộ.
Shapiro giải thích rằng hiệu ứng này có thể đã bắt đầu từ thời tiền sử. Khi mà con người đói, nó cần kích hoạt não bộ hoạt động hiệu quả hơn để tìm kiếm được thức ăn. Chỉ có vậy, con người mới có khả năng cao hơn phi giáo hoặc bắn tên trúng một con hươu đang chạy, để có được bữa ăn sinh tồn.
"Trong thời gian đói, cơ thể sẽ ưu tiên bảo tồn hai cơ quan, và chấp nhận hi sinh các cơ quan khác còn lại", cô giải thích - các cơ quan được bảo quản là bộ não và ở nam giới là tinh hoàn. "Về mặt sinh học, điều này có thể liên quan đến sự cần thiết của một tinh thần minh mẫn, giúp con người thoát khỏi thời gian đói hoặc tồn tại trong thời gian dài mà không có thức ăn nhưng vẫn duy trì được giống nòi".
Theo GenK
">