TP.HCM xác định trở thành Thành phố thông minh với tiện ích người dân thụ hưởng: dịch vụ chính quyền điện tử, hệ thống giao thông thông minh, quản lý lưới điện, quản lý nguồn nước sạch, giám sát môi trường, quản lý rác thải…Ngày 25/7/2016 tại buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và các sở ngành TP, ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu phải để cho người dân tham gia vào quản lý, giám sát chính quyền trong việc xây dựng thành phố thông minh.
Lý giải về yêu cầu này, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, rất nhiều người dân khi tiếp xúc với lãnh đạo TP mong muốn có được kênh để đóng góp các hiến kế, giải pháp xây dựng và phát triển TP.
“Yêu cầu này rất chính đáng thể hiện khát vọng, tình cảm và trách nhiệm của nhân dân đối với TP”, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ. Do người dân là trung tâm trong việc xây dựng thành phố thông minh nên người dân cũng sẽ tham gia từ đầu quá trình xây dựng “smart city”.
Đi vào cụ thể, ông Nguyễn Thành Phong xác định 4 mục tiêu cơ bản để xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh từ nay đến năm 2025, gồm: thúc đẩy phát triển kinh tế; môi trường sống tốt hơn; người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý, giám sát chính quyền.
Với lộ trình trên, trước mắt thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo xây dựng “thành phố thông minh” do Bí thư Thành ủy đứng đầu và sẽ thành lập một ban điều hành xây dựng đề án xây dựng thành phố thông minh do Chủ tịch UBND TP đứng đầu.
Việc xây dựng đề án chi tiết sẽ tiến hành trong 3 tháng. Về cơ sở dữ liệu, thành phố sẽ tận dụng tích hợp những dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin có sẵn hiện được từng ngành xây dựng.
Trên cơ sở đó, việc trước mắt cần tập trung là xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các lĩnh vực. Ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, hiện nay cơ sở dữ liệu tổng hợp của thành phố còn yếu kém, hạn chế. Về hạ tầng mạng, thành phố sẽ ký kết một hợp đồng hợp tác với VNPT để doanh nghiệp này cùng tham gia xây dựng đề án thành phố thông minh. Hiện nay, VNPT có sẵn hạ tầng công nghệ thông tin, có nguồn lực, kinh nghiệm.
“Xây dựng thành phố thông minh là một đề tài rất nóng, là yêu cầu cấp bách đối với một thành phố có dân số gia tăng nhanh và đòi hỏi tốc độ phát triển kinh tế nhanh như TP.HCM nên không thể chậm trễ”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Ở góc độ chuyên môn, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT, cho rằng, mục tiêu thành phố trong 10 năm tới sẽ trở thành thành phố thông minh là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, thành phố cần phân ra hai giai đoạn thực hiện. Trước mắt, trong 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện các chương trình giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh… để giải quyết các hạn chế, bức xúc của người dân như kẹt xe, ngập nước, y tế… Sau đó, trong giai đoạn tiếp theo, tùy theo nhu cầu sẽ thực hiện các bước làm thành phố càng thông minh hơn.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện VNPT cho biết những tiện ích mà người dân được hưởng khi TPHCM trở thành thành phố thông minh, gồm: dịch vụ chính quyền điện tử, hệ thống giao thông thông minh, quản lý lưới điện, quản lý nguồn nước sạch, giám sát môi trường, quản lý rác thải…
Tất cả những tiện ích này tập trung vào 5 lĩnh vực thành phố cần phát triển mang tính bền vững gồm giao thông, an ninh, môi trường, y tế và du lịch.
Cũng theo VNPT, tính đến năm 2013 trên thế giới có 20 thành phố được chứng nhận đạt chuẩn là thành phố thông minh, đến năm 2015 con số này lên đến 30 thành phố và dự kiến đến năm 2025 trên thế giới sẽ có 90 thành phố được chứng nhận là thành phố thông minh.
Anh Vũ" width="175" height="115" alt="TP.HCM sẽ trở thành ‘Thành phố thông minh’ năm 2025?" />