Giám đốc Công an Hà Nội: Buôn bán ma túy giờ tính bằng tấn,ámđốcCônganHàNộiBuônbánmatúygiờtínhbằngtấnbằngtạlịch anh bằng tạ
Bạch Huy Thanh
(Dân trí) - Để xử lý, giải quyết triệt để ngay vấn đề ma túy trong thời gian ngắn là không thể, cuộc chiến này phải kiên trì, kiên định, theo Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung.
Chiều 8/11, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Ma túy là hiểm họa
Ông Trung nhấn mạnh, ma túy không chỉ là tệ nạn, vấn nạn mà là hiểm họa.
Theo ông Trung, ma túy không chỉ là hiểm họa của riêng Việt Nam mà là của toàn cầu, của nhiều quốc gia. Ma túy hiện nay đi vào mọi ngõ ngách của đời sống, không trừ bất cứ một ai từ trí thức, văn nghệ sĩ, công nhân, nông dân…
"Vừa qua tôi có đi Campuchia. Campuchia đang có một chiến dịch phòng chống ma túy ngay trong bộ máy Nhà nước. Như vậy, nguy cơ ngay trong chính bộ máy Nhà nước cũng không phải không có", ông Trung nói.
Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, ở các đô thị lớn, có những trường hợp thuê hẳn các khu chung cư để tổ chức sử dụng ma túy.
Ông Trung cho hay, ma túy bây giờ có thể hút, ngửi, ăn, uống… và thậm chí chỗ nào cũng dùng được. Đặc biệt, việc buôn bán hiện cũng dễ hơn, bởi cùng với sự phát triển khoa học công nghệ thì chuỗi cung ứng được rút ngắn, giảm chi phí, tiếp cận nhanh nên giá ma túy cũng rẻ hơn.
Ông Trung khẳng định, ma túy hủy hoại về tinh thần, thể xác, sức lao động, băng hoại cả quốc gia, dân tộc.
"Từ ma túy sinh ra cướp, giết, trộm cắp, lừa đảo. 40% đối tượng nghiện ma túy là không nghề nghiệp hoặc không nghề nghiệp ổn định, không có thu nhập, nên để có tiền hút ma túy phải trộm cướp, giết người, thậm chí ngáo đá giết cả bố mẹ, vợ chồng, con cái. Các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng ma túy để chi phối, gây bạo loạn, mất an ninh trật tự…", ông Trung nêu thực tế.
Giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh, hiểm họa ma túy là khôn lường. Phải phòng, chống ma túy.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này, ông Trung cho biết, chương trình về phòng chống ma túy cũng không phải bây giờ mới đặt ra, đã triển khai nhiều năm nay, mới nhất là Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên theo ông Trung, đúng như các đại biểu đã phân tích, các kết quả về phòng chống ma túy vẫn chưa đạt được như mong muốn. Các mục tiêu của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, xét trên cả ba mặt giảm cung, giảm cầu, giảm thiệt hại đều có nhiều chỉ tiêu chưa đạt được.
"Bộ Công an đang chỉ đạo triển khai các giải pháp giảm cầu, từ giảm cầu sẽ giúp giảm cung. Chúng ta lấy phòng là chính, phòng là để không tăng người nghiện, đồng thời cũng phải giảm số người nghiện đi bằng cách cai nghiện, giảm tác hại", ông Trung nói.
Giám đốc Công an Hà Nội cho hay, buôn bán ma túy lợi nhuận rất lớn, có người nói khi lợi nhuận lên tới 300% thì "treo cổ họ cũng làm".
"Một số địa phương miền núi phản ánh, người dân không có tiền nên việc đầu tiên họ nghĩ đến là vận chuyển ma túy… vì thế các đối tượng không bao giờ từ bỏ mặt hàng này. Thậm chí họ còn tạo ra cầu như rủ rê, lôi kéo, mời dùng, cho dùng thử trước… Do đó, yêu cầu giảm cung, giảm cầu chưa đạt được", ông Trung nói.
Ông Trung dự báo tình hình tệ nạn ma túy càng ngày càng phức tạp. "Trước kia, các vụ mua bán ma túy tính theo bánh, theo kg, giờ tính bằng tấn, bằng tạ. Trước kia buôn bán ma túy theo đường bộ, giờ đi bằng cả đường biển, đường sông, đường hàng không", ông Trung cho hay.
Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, để xử lý, giải quyết triệt để ngay vấn đề ma túy trong thời gian ngắn là không thể, cuộc chiến này phải kiên trì, kiên định.
Ma túy đang len lỏi trong xã hội
Tham gia thảo luận, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) bày tỏ thống nhất cao với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng chống ma túy đến năm 2030.
Nêu thực trạng ma túy đang len lỏi trong xã hội làm mất trật tự an ninh, xã hội bất ổn, sinh ra nhiều vụ án mạng... đều do ma túy, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trăn trở khi thấy các em nhỏ chỉ hơn 10 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử hay khi học sinh cạy thùng công đức để lấy cắp tiền mua ma túy...
Đại biểu bày tỏ tán đồng với chủ trương giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy mà Chính phủ đề cập bởi ma túy trong xã hội hiện nay ngày càng tinh vi, ma túy được pha trộn vào thực phẩm, đồ uống... nhằm vào lớp trẻ, hủy hoại thế hệ mới của đất nước. Vì thế cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, của gia đình.
Theo đại biểu, trong báo cáo của Chính phủ làm rõ số liệu người nghiện ma túy ở độ tuổi trẻ để có biện pháp ngăn chặn. Đặc thù công tác phòng chống ma túy có tính kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, lâu dài.
Đại biểu đề nghị, trong quy định về nâng cao nhận thức phòng chống ma túy của toàn xã hội, trong đó chú trọng đội ngũ lãnh đạo cấp phường, xã, thị trấn, trường học, doanh nghiệp...
Ngoài ra, theo đại biểu cần tổ chức tập huấn, bổ túc, bồi dưỡng kỹ năng kiến thức phòng chống ma túy cho những người làm công tác ở xã, doanh nghiệp, kể cả nhà tu hành trong công giáo hay già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong xã hội...