Một khu chung cư tại Hà Nội (Ảnh: Dương Tâm).
Ông Đinh Minh Tuấn cho rằng, dòng tiền đang có dấu hiệu tìm kiếm cơ hội "chảy" vào Nam sau thời gian tập trung chủ yếu tại Hà Nội.
Theo dữ liệu, lượng người Hà Nội tìm kiếm bất động sản tại TPHCM vào tháng 11 đã tăng 7% so với tháng 1 năm nay. Ngược lại, lượng người TPHCM tìm kiếm bất động sản Hà Nội giảm 12% trong cùng giai đoạn. Khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường trên cũng cho thấy 66% người Hà Nội được hỏi quan tâm đến bất động sản phía Nam.
Dù tiềm năng của thị trường miền Nam được đánh giá cao nhưng ông Đinh Minh Tuấn nhận định vấn đề pháp lý vẫn là trở ngại lớn và nhà đầu tư, người mua cần xem xét kỹ lưỡng.
Đánh giá về phân khúc chung cư, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cao cấp CBRE chi nhánh Hà Nội cho rằng: "Gần như lần đầu tiên chung cư Hà Nội tăng giá nhanh trong thời gian ngắn như vậy".
Chuyên gia này cho biết, phân tích lịch sử chỉ ra rằng khoảng 10 năm vừa qua, giá chung cư Hà Nội tăng trung bình 5%/năm. Thậm chí giai đoạn 2009-2019, giá chung cư ít biến động, có thời gian giảm giá và trung bình chỉ tăng 2%/năm. Từ năm 2022 đến nay, giá chung cư tại thành phố này mới bắt đầu tăng nhanh.
Lý giải về hiện tượng giá chung cư Hà Nội tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn, bà cho rằng, đây là kết quả khi nhiều yếu tố hội tụ cùng một thời điểm. Theo đó, trong một thời gian dài trước năm 2019, người Hà Nội chưa thực sự thích ở chung cư. Họ vẫn ưu thích những căn nhà gắn liền với đất để đảm bảo sự riêng tư, độc lập.
Tuy nhiên, 5-6 năm gần đây, mô hình chung cư trở nên quen thuộc hơn khi xuất hiện nhiều các dự án lớn với khu đô thị đầy đủ hệ sinh thái, quần thể cũng như chất lượng công trình. Điều này khiến việc thói quen tiêu dùng bất động sản của người Hà Nội bắt đầu thay đổi.
Một nguyên nhân khác là trước đây, thị trường bất động sản chung cư Hà Nội chưa có sự tham gia đa dạng của các chủ đầu tư, đa phần là doanh nghiệp trong nước. Vì vậy thị trường chưa có nhiều phân khúc sản phẩm cũng như tính cạnh tranh thấp.
Vài năm nay, nhiều chủ đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tham gia thị trường. Sự đa dạng về sản phẩm cùng với thay đổi về thị hiếu người tiêu dùng khiến thị trường trở nên cạnh tranh và phát triển hơn chỉ trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, vị này điểm ra một số nguyên nhân khác như lợi thế hạ tầng của Hà Nội, bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất thấp, sự phát triển của thị trường bất động sản Hà Nội...
">