Trên sân khấu lẫn màn ảnh, “phù thuỷ” Thành Lộc sắc sảo, đa sắc màu, không ngừng biến hoá, còn trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, anh rở nên “đằm” hơn với nhiều ưu tư hơn hẳn. E ngại trước lời mời đóng vai đồng tính
- Cơ duyên nào đã đưa anh đến với dự án điện ảnh mới “Ngôi nhà bươm bướm”?
Tôi đã hơi e ngại khi được mời đóng vai chính là một nhân vật đồng tính. Tôi lo sợ đây là một nhân vật câu khách, chọc cười rẻ tiền nhưng sau 3 tiếng suy ngẫm kịch bản, tôi gọi điện cho ê-kíp thông báo mình nhận lời. Phim đóng máy, tôi thấy đây là vai diễn dành cho mình.
Tôi vào vai Hồ Ngọc Hân, một nhân vật rất tình cảm, sống đúng mực và làm việc hết mình. Là một Drag Queen, nhân vật này đòi hỏi cả khả năng diễn xuất lẫn kỹ năng hát live, nhảy múa. Vốn là một nghệ sĩ sân khấu, tôi không mất quá nhiều thời gian để làm quen với với vai diễn này.
- Điều gì khiến anh từ một người “chuyên trị” những vai đồng tính, giả gái từ 20 năm trước, nay lại cảm thấy e ngại?
Nỗi sợ đó không tự nhiên mà có. Tôi rất trăn trở và bất bình khi quan sát một vài đồng nghiệp của tôi chọn cách miêu tả các nhân vật đồng tính một cách đáng thương, đáng buồn cười. Sao hễ có nhân vật đồng tính là lại “bắt” họ phải có học thức thấp hoặc những hành vi thiếu chừng mực, thân mang bệnh tật, bị kỳ thị?
Ngay cả những người thuộc cộng đồng LGBT cũng thích đem hình ảnh người đồng tính ra để “câu view”, chọc cười. Điều đó có quá bất công hay không khi ngoài kia, có rất nhiều người đồng tính từ chuyên gia, nghệ sĩ, nhà thiết kế, đầu bếp, kỹ sư hay cả chính khách đang từng ngày đóng góp, cống hiến giá trị của họ cho xã hội này.
|
Thành Lộc cho biết khi đặt sự nhân văn lên trên, chúng ta buộc phải hy sinh nhiều thứ. Nhưng khi được làm nghệ thuật chân chính với sự tử tế, không có sự hy sinh nào là uổng phí. |
- Anh kỳ vọng điều gì qua vai diễn Hồ Ngọc Hân này? Có phải là sự bình đẳng về cộng đồng LGBT trong góc nhìn đại chúng?
Tôi không muốn hô hào, kêu gọi đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT. Do những người thuộc cộng đồng LGBT có gì không bình đẳng đâu. Họ vốn dĩ là những thực thể sống công bằng, đường hoàng trong xã hội cùng các giới tính khác.
Tôi muốn thể hiện quan điểm với những người làm phim, những người mang danh “nghệ sĩ” như tôi. Khi làm phim về người đồng tính hoặc phim có nhân vật đồng tính, hãy nhìn họ với tâm thế bình đẳng như chính sự bình đẳng mà họ đang có. Nếu chúng ta xem họ như trò cười, như “cần câu cơm” để bán được vé, chúng ta đang quá nhẫn tâm và cần phải xin lỗi họ.
Thọ ơn có ý thức và ban ơn "hạ ý thức"
- Gần đây, tôi vô tình đọc được một bài chia sẻ của đạo diễn phim "Ngôi nhà bươm bướm" Huỳnh Tuấn Anh. Anh kể về thuở đầu lập nghiệp, bị “mafia” sân khấu trù dập và chính Thành Lộc là người “giải vây” giúp Huỳnh Tuấn Anh khỏi tình cảnh khốn khó khi đó. Từ đó đến nay, người đạo diễn trẻ này vẫn nghĩ về anh như một ân nhân trong cuộc đời làm nghề. Anh thì sao?
Lúc đó, Huỳnh Tuấn Anh còn là một cậu sinh viên với kịch bản sân khấu đầu tay đưa đi khắp nơi không ai nhận. Được giới thiệu, tôi có đọc thử và nhận làm. Lúc đó, tôi không cố tình giúp đỡ hay “giải vây” cho ai cả, chỉ đơn giản là nếu đã có duyên đọc một kịch bản hay mà không làm, tôi sẽ có lỗi với người tạo ra nó, có lỗi với nghề và khán giả của mình. Tôi khá bất ngờ vì qua bao nhiêu năm mà đạo diễn vẫn canh cánh câu chuyện này như một món nợ ân tình sâu nặng vậy.
Mới đây, tôi và Huỳnh Tuấn Anh lại có duyên hợp tác trong dự án điện ảnh "Ngôi nhà bươm bướm". Cuộc sống có nhiều mối duyên nợ thật thú vị phải không?
|
Thành Lộc cho rằng chỉ cần con người ta sống tử tế với nhau, sẽ cùng nhau làm nên một diện mạo tử tế cho cuộc đời. |
- Thú vị ở chỗ người vô tình giúp thì dường như không bận tâm nhiều. Trong khi đó, người được giúp thì lại mang ơn và khắc ghi sâu đậm đúng không anh?
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường thọ ơn nhau một cách có ý thức và vô tình ban ơn cho nhau một cách “hạ ý thức”. Không giấu gì, tôi cũng thọ ơn của rất nhiều người khác.
Khi những khó khăn, trái ngang làm tôi mất dần niềm tin vào cuộc sống, tôi đến xem liveshow của Hồng Nhung và chảy nước mắt liên tục. Một mình trên sân khấu, một cô gái bé nhỏ làm một cái show hơn 3 tiếng đồng hồ, đứng đó say sưa hát, say sưa nói, chia sẻ những kỷ niệm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, không ngơi nghỉ phút giây nào.
Lúc bước ra khỏi phòng trà đó vào 1h30 sáng, trong tôi ngây ngất một niềm biết ơn vô hạn với “cô Bống” này. Hồng Nhung cũng không hề biết chính cô ấy đã truyền lửa, truyền cảm hứng nghề nghiệp đối với tôi nhiều như thế nào.
Thành Lộc nói về cảm xúc khi nghe Hồng Nhung hát:
- Hẳn là người nghệ sĩ không chỉ truyền cảm hứng cho công chúng mà còn truyền cảm hứng cho nhau?
Người nghệ sĩ có khả năng truyền cảm hứng đến mọi người mà chỉ có những người nhận mới biết làn sóng cảm hứng đó được lan toả đến đâu. Và còn gì tuyệt hơn khi được làm nghề trong một môi trường mà những người nghệ sĩ truyền cảm hứng cho nhau, cùng nhau làm nên những tác phẩm tử tế cho xã hội.
Đương nhiên, nghệ thuật không được buông rời chức năng giải trí, nhưng nghệ thuật từ rất nhiều năm nay còn “cưu mang” thêm cả chức năng giáo dục, định hướng, song hành với sự phát triển của nhân loại. Do đó, đó người làm nghệ thuật lại càng lúc càng phải tự vận động để nâng cao mình, tự hoàn thiện để định hướng mọi người đến “chân-thiện-mỹ”.
- Để làm được sứ mệnh đó, ngoài sự cố gắng tự thân, hẳn người nghệ sĩ còn cần một môi trường hoạt động lý tưởng. Anh nghĩ gì khi nhìn lại về môi trường hoạt động nghệ thuật hiện nay?
Nói riêng về sân khấu, người nghệ sĩ trình diễn vẫn tiếc nuối thời “ngày xưa”. Bạn có hình dung được thời hoàng kim của sân khấu kịch không? Riêng đất Sài Gòn này có hơn 60 đoàn nghệ thuật cùng hoạt động. Mỗi đoàn “xoay tour” mấy chục nhà hát, rạp hát trong thành phố. Sài Gòn như bừng sáng hàng đêm. Khán giả rần rần xếp hàng mua vé.
Đến bây giờ thì số lượng đoàn ít lại, địa bàn hoạt động cũng hẹp lại. Thay vì đi “lưu diễn” mỗi đêm trong nội thành, chúng tôi phải chọn cố định một địa điểm vì thiếu rạp. Người yêu nghệ thuật muốn xem kịch phải tốn công nhiều hơn trước, còn chúng tôi thì cảm thấy bị thua thiệt về lượng tiếp cận của công chúng.
Khán giả mình quen xem chùa quá rồi!
-Anh có nghĩ bù lại, khi muốn xem kịch phải bỏ công nhiều hơn thì khán giả sẽ thêm trân quý, chú tâm vào từng vở diễn?
Tôi không chỉ lo lắng ở phương diện người xem. Khi địa bàn hoạt động hẹp lại, người nghệ sĩ sẽ bị thiếu đất diễn. Thay vào đó, họ phải toả ra đi tham gia game-show, reality-show, phim thương mại, web-drama hoặc xây dựng kênh YouTube của riêng mình. Mà vậy thì nguy hiểm lắm. Trên môi trường digital, mỗi người có một lượng fan riêng. Đôi khi chỉ cần đọc comment ca tụng lên tận mây xanh của cộng đồng fan, người nghệ sĩ tặc lưỡi, à mình như vậy là quá hoàn hảo rồi. Như thế, họ dễ bình tâm, tự hài lòng mà ngừng cố gắng. Mà bạn biết rồi, thời nay muốn mua bao nhiêu view, bao nhiêu comment mà chả được.
- Vậy nếu bình luận và lượt xem có thể “ảo”, thì đâu mới là phản hồi “thật” mà người nghệ sĩ cần suy xét?
Là lượng người cất công xếp hàng mua vé, đón chờ, đến rạp để xem nhưng show trình diễn trực tiếp. “Chỉ số rating” thực chất nên được đo bằng số tiền mà khán giả bỏ ra để thưởng thức nghệ thuật.
- Anh có tự hào với “chỉ số rating” thực mà mình đang nhận được không?
Không, rất tiếc là như vậy. Mỗi khi giới thiệu một dự án mới trên facebook, chúng tôi thường hay nhận được những phản hồi kiểu: “Cái này trên YouTube có hông?” hay “Cho xin link xem free”. Khán giả mình quen xem chùa quá rồi.
Tôi không dám tự hào. Chỉ dám nói rằng mình thấy vui vì vẫn còn một cộng đồng nhỏ xem việc đi xem nhà hát, xem “kịch sống” là một thú vui tao nhã của người có gout. Tôi biết có nhiều người từ Đà Nẵng, Hà Nội… cất công bay vào Sài Gòn đúng một đêm, chỉ để xem chúng tôi diễn. Hay như khi tôi dựng vở nhạc kịch Tiên Nga, nhìn xuống khán phòng thấy nhiều học sinh phổ thông, nhiều người trẻ ăn vận sành điệu chăm chú theo dõi, khóc rưng rức theo từng câu thoại… tôi bỗng thấy phấn khởi, như được tiếp thêm “doping” vậy. Tôi nghĩ thời nay mà còn có khán giả chịu khó, bỏ tiền thưởng thức nghệ thuật trực tiếp như vậy là mừng lắm rồi.
- Trong vài năm sắp tới, anh có cảm thấy lo lắng cho sức sống của nghệ thuật trình diễn nói chung và sân khấu kịch nói riêng không?
Nếu nhận được câu hỏi này vào 5 năm trước, tôi sẽ nói rằng tôi không lo. Giá trị gốc có thể mai một nhưng không mất đi. Những tinh tuý đó chỉ chuyển hoá để phù hợp với hoàn cảnh, biến thành một dạng khác hiện đại hơn mà thôi.
Hiện tại tôi lo, rất lo. Vì nhìn quanh không thấy ai cùng chung chí hướng, chia sẻ tâm tư này với mình. Tôi vừa dựng xong vở nhạc kịch Tiên Nga và tạo được nên những tiếng vang nhất định. Nhưng tôi chợt nghĩ, sau Tiên Nga, sẽ là cái gì? Nếu không phải là tôi, thì ai sẽ làm? Ở đâu sẽ có đất diễn cho các em trẻ bây giờ? Vì xung quanh mình, tôi không thấy có ai làm những kiểu tương tự. Rồi một ngày, sức khoẻ của tôi cũng sẽ đi xuống. Khi đó, các em, các cháu muốn làm nghề, muốn học tập, rèn luyện thì biết tìm đâu?
|
Nam nghệ sĩ cảm thấy lo lắng cho sức sống của nghệ thuật trình diễn nói chung và sân khấu kịch nói riêng. |
Cuộc chiến đơn độc
- Chiến đấu, trăn trở một mình như vậy, có khi nào Thành Lộc cảm thấy cô đơn không?
Cô đơn chứ, cô đơn lắm, nhưng… quen rồi. Lại nói về Tiên Nga, càng thành công tôi càng tủi thân. Trước đó, khi chia sẻ ý tưởng này với một vài đồng nghiệp, tôi chỉ nhận được sự dè bỉu, chê bai. Họ bảo rằng “nghĩ sao mà thời nay còn đem tuồng cổ ra diễn, giới trẻ đâu có mê những kiểu như vậy nữa”. Khi thấy tôi kiên quyết làm, có người còn khoanh tay “để xem sao, để xem Thành Lộc sẽ xoay thế nào”.
Những lời như thế, tôi nghe đầy tai ấy mà. Ngay trong công ty, khi trình bày với ban giám đốc, câu đầu tiên họ hỏi là “nhắm bán vé được không?”. Nghe câu đó, tôi xuống tinh thần ngay lập tức. Cùng đồng cam cộng khố bao nhiêu năm, cùng chia sẻ tâm huyết làm nghề chừng đấy năm, mà còn đâm vào tim nhau vậy, tôi không thể không nặng lòng.
- Đỉnh điểm của sự đơn độc ấy là lúc nào?
Là khi diễn viên trong đoàn kịch thay nhau báo nghỉ. “Em kẹt giờ này”. “Em không tham gia vở này”. “Em không tham gia đêm nay”… Vì các bạn bận đi quay game hay truyền hình thực tế. Vì như thế thì dễ hơn, tiền nhiều hơn, nhiều triệu người xem hơn. Còn diễn kịch trên sân khấu, mồ hôi ròng rã 3 tiếng đồng hồ vừa diễn vừa ca hát, nhảy múa, làm xiếc, gào khóc, khán giả thì ít mà tiền cát-xê thì thấp lắm.
Có một nghệ sĩ tên tuổi vốn đàn em của tôi, đã từng vỗ vai tôi mà nói như thế này: “Anh Lộc làm hay ghê, em thích lắm. Một ngày nào đó, khi em muốn quay lại làm nghệ thuật chân chính, em sẽ qua làm chỗ anh. Còn bây giờ em phải lo kiếm tiền trước đã”. Như vậy bất công quá không. Ai cũng thích qua chỗ tôi để học, để tìm kiếm chỗ đứng. Đến khi đủ lớn, các em bay đi kiếm tiền, hẹn ngày không kiếm tiền được nữa thì quay lại chỗ tụi tui để làm nghệ thuật.
- Với nỗi cô đơn cùng cực đó, anh chọn cách đối diện như thế nào?
Có xuống tinh thần thế nào thì vẫn phải ngẩng mặt mà đi tới. Không ai cứu mình cả.
Khi bị BGĐ công ty từ chối, tôi có đăng status trải lòng trên facebook. Và may là có những người cùng chí hướng đã đặt vấn đề hợp tác với công ty tôi để cùng xâu dựng nên một vở nhạc kịch đúng chất cho thế hệ trẻ ngày nay. Và chúng tôi cũng đã thành công rồi đấy thôi. Khi tôi không làm, tôi nghĩ mình đơn độc. Nhưng cứ làm bất chấp khó khăn, sẽ có người nhìn thấy, trân trọng và đồng hành cùng mình.
|
Nam nghệ sĩ cảm thấy lo lắng cho sức sống của nghệ thuật trình diễn nói chung và sân khấu kịch nói riêng. |
Chọn an nhiên
- Đơn độc trong cuộc chiến với nghề, còn trong cuộc sống cá nhân thì sao?
Lúc 30-35 tuổi, tôi hay gác tay suy nghĩ, băn khoăn cuộc đời, về tình yêu, tình bạn, nhà lầu, xe hơi, công danh, sự nghiệp... Còn bây giờ, tôi đã ở độ tuổi mà tất cả những cái đó không còn quá quan trọng đối với mình. Tôi đang rất tận hưởng vũ trụ đấy, mọi thứ đều nhẹ tênh. Tôi có những người bạn tốt, một vài chiến hữu chân tình với mình. Tôi thấy vậy là đủ rồi.
Nhưng tôi không khước từ những gì thuộc về mình. Ngược lại, tôi biết ơn những thứ đã từng quay mình mòng mòng. Tôi biết ơn mọi sự đau khổ, thất bại đã trải, người nghệ sĩ cần cái đó lắm.
- Vậy tức là Thành Lộc của ngày hôm nay có niềm tin, có đơn độc, có trăn trở, nhưng cuối cùng vẫn chọn an nhiên?
Chọn an nhiên, là tự mình muốn mình an nhiên, như hành trình tu tập vậy. Là ráng lắm, chứ cũng chưa được 100%. Đôi khi đọc một câu chuyện trên mạng, tôi cũng muốn nổi điên, dễ bất bình lắm chứ. Nhưng giữa cơn, tôi khựng lại, thấy cần phải kiểm tra thêm thông tin. Sau đó, tôi thấy hình như không đúng, hình như không phải. Vì tôi ý thức được vai trò của người nghệ sĩ. Công chúng đang theo dõi mình. Càng dấn thân vào nghệ thuật càng phải tỉnh táo. Vì mình sa chân là kéo theo nhiều người sa chân theo mình.
- Nói về vai trò của người nghệ sĩ, anh có tìm thấy hay phát hiện ra một nhân tố nào đủ để kế nhiệm vị trí của mình hiện tại?
Tôi thấy đâu đó cũng có một vài nhân tố. Nhưng các bạn đang rất “3 đầu 6 tay”, rất nhập nhằng giữa nhiều lựa chọn. Tôi có khuyên rằng bạn phải biết từ chối. Nếu quá ôm đồm, thì những gì bạn làm sẽ là cái hố chôn mất chất riêng của bạn. Càng lên cao càng nên học chữ đủ, nên từ chối. “Nếu không, em sẽ giống như mọi người, trừ khi em muốn giống như tất cả mọi người”. Có người mình khuyên được, có người mình không khuyên được, còn bị đáp trả nữa. Thôi thì mỗi người có một cách suy nghĩ khác nhau, cuộc đời vậy mới phong phú, phải không?
Minh Đức
Clip: Chu Thắng - Hoàng Thành
Tóc Tiên, Hoàng Touliver dự tiệc cưới rapper Rhymastic
- Tuy xuất hiện trong đám cưới của rapper Rhymastic nhưng Tóc Tiên và "bạn trai tin đồn" Touliver không đứng cạnh nhau khi chụp hình cùng mọi người.
">