Dự án nhà ở “ôm đất” bỏ hoang cả thập kỷSở KH&ĐT Hà Nội vừa ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã được UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 6/2008 cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam.
“Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam bị Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư trên là do sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ được chấp thuận, theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014”, quyết định nêu rõ.
Được biết, thời gian qua Hà Nội liên tiếp thu hồi dự án nhà ở do chủ đầu tư không triển khai theo quy định. Trước đó, vào tháng 7, Sở KH&ĐT ký quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư dự án nhà ở thương mại tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm do Công ty CP quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư.
|
Nhiều dự án "ôm đất" bỏ hoang ở Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất |
Theo Sở KH&ĐT, ngày 28/6/2013, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4042/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất tại ô đất D2-CT1, với chức năng xây dựng nhà ở thương mại do Công ty CP quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư.
Lý do chấm dứt hoạt động do Quyết định số 4042 đã hết hiệu lực, tuy nhiên Công ty CP quốc tế Sơn Hà không thực hiện dự án theo tiến độ qui định.
Mới đây, UBND TP Hà Nội kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu đất vàng thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) do chậm triển khai 11 năm gây lãng phí tài nguyên đất và không có cơ sở pháp lý để cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra phản ánh hơn 300 dự án bỏ hoang
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về hơn 300 dự án bỏ hoang ở Hà Nội.
Theo đó, báo chí phản ánh về nội dung: Hiện có tới hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện TP Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất... Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại lại là điệp khúc không hồi kết... Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh trên.
|
Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch được điều chỉnh quy hoạch sau cả thập kỷ “ôm đất” trồng cỏ |
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của HĐND-UBND TP về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố và UBND cấp huyện tiến hành kiểm tra, rà soát và triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với 379 dự án và có kết luận và kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý đối với từng dự án theo quy định.
Trong đó, đã kiến nghị thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư đối với 28 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất đối với 25 dự án với tổng diện tích 39 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng...
Thực tế cho thấy, trên địa bàn TP Hà Nội có không ít những khu “đất vàng” bỏ quên nhiều năm của các “ông lớn” bất động sản. Có những dự án khu đô thị được điều chỉnh quy hoạch sau cả thập kỷ “ôm đất” trồng cỏ.
Như dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch của Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex) được triển khai từ năm 2008. Khu đô thị từng được kỳ vọng sẽ là một khu đô thị hoành tráng phía Tây Hà Nội, dựa trên ý tưởng tạo dựng một “trái tim đô thị” chất lượng cao, tiện nghi, thân thiện với môi trường, một trung tâm thương mại, biệt thự liền kề, nhà hát, căn hộ cho thuê, bệnh viện, trường học… đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế.
Vào thời hoàng kim, giá đất nền tại Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch có thời điểm lên tới 50 - 70 triệu đồng/m2, gấp 3 - 4 lần giá gốc. Thế nhưng gần 10 năm từ khi triển khai đến khi được điều chỉnh quy hoạch, dự án mới chỉ hoàn thành khoảng gần chục dãy nhà liền kề, biệt thự được xây thô, còn đa số diện tích đất vẫn đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, chôn theo đống tiền của giới đầu cơ.
Đến khoảng cuối năm 2018, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chi tiết tỷ lệ 1/500 nâng tổng diện tích quy hoạch lên khoảng 146,7ha (tăng gần 10ha so với quy hoạch được duyệt trước đó), với quy mô dân số khoảng 23.500 người sau gần 10 năm “đắp chiếu”.
Nhiều hạng mục khác cũng được điều chỉnh có lợi cho chủ đầu tư như: Đất dân dụng tăng hơn 11 ha từ 133,33 ha lên đến 144,77 ha; Đất công cộng giảm 5 ha từ 8,74 ha xuống còn 3,63 ha; Đất trồng cây xanh giảm gần 3 ha từ 19,69 ha xuống 16,95 ha.
Thuận Phong
Vietracimex dùng loạt lô đất ở khu đô thị hoang để hút nghìn tỷ trái phiếu
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đầu tháng 6 vừa qua, Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 2 - thành viên của Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) đã phát hành 6 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.600 tỷ đồng.
">