Nở rộ các phương thức xét tuyển,ĐiểmthitốtnghiệpTHPTdầnlépvếxuấthiệnbihàikịchxéttuyểnđạihọtinbongda24h điểm thi tốt nghiệp THPT dần lép vế
Từ 8 năm trước, khi trả lời phỏng vấn báo chí, GS Đào Trọng Thi đã nhấn mạnh 'Biết chắc 99% đỗ thì cần gì tổ chức thi tốt nghiệp'và đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, biến nó thành kỳ kiểm tra do các địa phương, các trường THPT tổ chức hoặc thậm chí chỉ cần xét kết quả học tập, rèn luyện trong các năm của học sinh.
Trong suốt thời gian qua, kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được duy trì. Năm 2022, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT của cả nước là 98,57%; riêng thí sinh học hệ THPT đạt 99,16%. Năm 2021, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,6% (tăng 0,2% so với năm học trước), trong đó có 12.000 em được xét đặc cách tốt nghiệp. Năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 cả nước đạt 98,34%, tăng gần 4% so với năm 2019. Năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp trên cả nước đạt 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018...
Một ý nghĩa khác của kỳ thi THPT quốc gia hay kỳ thi tốt nghiệp THPT là sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học không còn chiếm ưu thế tuyệt đối như trước.
Gần đây nhất, trong năm 2022, đã có hơn 10 phương thức để vào đại học được các trường công bố, trong đó có xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT và quy định của trường; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển học sinh giỏi; xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội); kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Bên cạnh đó, còn có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) theo tổ hợp môn; xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài; xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế; xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung tích lũy của thí sinh tốt nghiệp đại học; xét tuyển từ học bạ, từ kết quả thi THPT, kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu…
Mùa tuyển sinh năm 2023, các trường đại học tiếp tục có nhiều phương thức tuyển sinh. Nhiều kỳ thi riêng được các trường đại học tổ chức độc lập, mở ra thêm cơ hội cho người học.
Tính đến thời điểm này, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT còn có đến 10 kỳ thi khác được tổ chức, sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, tăng thêm 3 kỳ thi riêng so với năm ngoái.
Ngoài một số kỳ thi được tổ chức với quy mô rộng như các đợt thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, thì Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lần đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh và chỉ tiêu cho phương thức này chiếm từ 10% đến 15%.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng lần đầu tổ chức kỳ thi chuyên biệt. Kết quả kỳ thi này được 8 trường sư phạm sử dụng để xét tuyển.
Trường ĐH Cửu Long cũng tổ chức thi riêng ba môn Toán, Hóa, Sinh để xét tuyển cho các ngành dược, điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học.
Trường ĐH Việt Đức cũng tổ chức tuyển sinh đầu vào với số lượng chỉ tiêu cho phương thức này chiếm khoảng 70% tổng chỉ tiêu...
Dở khóc dở cười với điểm chuẩn từ kết quả thi tốt nghiệp THPT
Do có nhiều phương thức tuyển sinh trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm không biến động nhiều, tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh ở một số trường đã có sự thay đổi rõ rệt. Chẳng hạn ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến dành ít nhất 45% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các đơn vị thành viên để xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực...
Xu thế chung là chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng ít dần, dẫn đến tình trạng "dở khóc, dở cười" xảy ra trong những năm gần đây: điểm trúng tuyển ở một số ngành cao đến mức không tưởng, thí sinh phải đạt điểm gần như tuyệt đối mới đỗ.
Minh chứng cụ thể là Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) - một ngôi trường không ở top đầu nhưng tại kỳ tuyển sinh năm 2022, trường có tới 3 ngành mà điểm trúng tuyển đại học hệ chính quy gần như ở mức tuyệt đối, gồm: ngành ĐH Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, ngành ĐH Sư phạm Lịch sử chất lượng cao cùng 39,92 điểm, ngành ĐH Sư phạm Toán học chất lượng cao 35,43 điểm (thang điểm 40). Ngoài ra, ngành ĐH Sư phạm Lịch sử có điểm trúng tuyển 29,75 điểm (thang điểm 30).
Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn (khối C) có điểm chuẩn là 28,5 điểm, Sư phạm Hóa 26 điểm, Sư phạm Toán 27,5 và 27,7…
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, theo thang điểm 40, ngành Sư phạm Lịch sử điểm chuẩn cao nhất với 38,67. Sư phạm Ngữ văn có mức điểm chuẩn 37,17.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội có 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học, cùng lấy 29,95 điểm, ngành Báo chí khối C00 là 29,90 điểm. Năm 2021, hai ngành Hàn Quốc học và Đông phương học có điểm chuẩn cao kỷ lục, lên đến 30 điểm ở khối C00...
Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn từ điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao, các chuyên gia tuyển sinh nhận định ngoài các lý do như một số bất cập trong việc đăng ký chỉ tiêu, mức độ đề thi thì việc các trường đa dạng phương thức tuyển sinh khiến chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT ít hơn. Đặc biệt, có những ngành chỉ còn 10-15 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT nên điểm chuẩn cao là điều đương nhiên.
Kỳ 3:Bỏ kỳ thi ‘hình thức’ sẽ ích nước, lợi nhà
Mời quý phụ huynh, học sinh tra cứu điểm thi tốt nghiệp năm 2023 trên VietNamNet