'Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có tầm quan trọng không thể phủ nhận' - ông Phạm Tất Thắng khẳng định. Cần hoàn thiện khung pháp lý
PV: Theo một khảo sát năm 2018, 66,1% trẻ em Việt Nam có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet, trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1-3 tiếng. 706.435 là số vụ báo cáo liên quan tới Việt Nam trong năm 2018 về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng - đứng thứ 2 trong ASEAN.
Trước thực tế này, theo ông, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có tầm quan trọng như thế nào?
Ông Phạm Tất Thắng: Trẻ em là một đối tượng đặc thù, đang ở giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách. Đặc biệt, trẻ em rất thích những cái mới, những thứ liên quan đến máy móc, công nghệ, thậm chí còn giỏi công nghệ hơn cả bố mẹ. Điều đó có nghĩa là các cháu có thể thích ứng và sử dụng rất nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin, vui chơi giải trí, khám phá trên môi trường mạng.
Qua những hoạt động đó, môi trường mạng có thể gây ra những ảnh hưởng cụ thể và rõ nét đối với trẻ em, trong đó có cả những tác động tốt và xấu.
Trong khi đó, nhận thức của trẻ chưa đầy đủ, chưa thể nhận thức được cái nào là tốt, cái nào là xấu, độc hại. Thậm chí, với những nội dung độc hại, các cháu lại tò mò, thích tìm hiểu hơn cả những cái tốt.
Chính vì thế, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có vai trò hết sức quan trọng.
- Ông đánh giá như thế nào về việc thực thi pháp luật hiện hành trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay?
Trên thực tế, có lẽ việc thực thi pháp luật trong công tác này, chúng ta chưa làm được nhiều như mong muốn.
Lý do thứ nhất, đây là vấn đề khá mới, mới cả với xã hội và các cơ quan quản lý. Bản thân các công cụ, hệ thống văn bản pháp luật cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Khuôn khổ pháp lý cũng chưa có những chế tài đầy đủ, rõ ràng. Cho nên, nó ảnh hưởng tới kết quả thực hiện.
Không gian mạng là một thế giới mà hiện nay đang vận hành và chuyển động song song với cuộc sống và với công tác quản lý của chúng ta. Việc phát hiện và xử lý có lẽ chưa thật kịp thời, chưa triệt để, còn có những vi phạm mà chúng ta chưa kịp thời phát hiện ra. Đây có lẽ là một quá trình và chúng ta đang trong tiến trình hoàn thiện quá trình đó.
- Theo ông, khung pháp lý của chúng ta còn thiếu và cần hoàn thiện những gì trong vấn đề này?
Hiện nay quy định của pháp luật thì chúng ta có Luật trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật Dân sự, thậm chí cả Luật Hình sự, nhưng các văn bản hướng dẫn thì chúng ta đang trong quá trình xây dựng.
Về nguyên tắc, Luật sẽ quy định những vấn đề chung nhất, để triển khai được, để luật đi vào cuộc sống thì cần các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, kể cả sau khi đã xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn xong thì chắc chắn quy định của pháp luật cũng không bao quát được hết thực tế cuộc sống. Thực tế cuộc sống so với quy định pháp luật là rất đa dạng và biến động nhanh, đặc biệt là trong môi trường không gian mạng. Cho nên, dù có hoàn thiện được văn bản hướng dẫn thì nó vẫn là những quy định mang tính chất khung, còn những chi tiết, sự việc cụ thể thì không có quy định nào bao quát được hết. Đây cũng là cái khó của quản lý Nhà nước với các vấn đề trên môi trường mạng.
- Ngoài việc xây dựng khung pháp lý hoàn thiện hơn, theo ông, đâu là các giải pháp quan trọng đối với vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, gia đình, nhà trường về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là việc trước tiên cần quan tâm.
Ngoài ra, chúng ta phải có những công cụ về mặt kỹ thuật. Vi phạm trên môi trường mạng rất đặc thù vì nó liên quan đến công nghệ, vì thế các cơ quan chức năng phải có những công cụ và kỹ thuật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện ra những vi phạm này. Khi phát hiện ra sai phạm thì cần có những chế tài đủ mạnh, được áp dụng cương quyết để mang tính răn đe.
- Việc đưa ra những hình thức xử phạt mạnh tay có nên là một giải pháp đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng không, thưa ông?
Vừa qua, có những hành vi vi phạm đạo đức xã hội bị lên án rất mạnh vì chỉ bị phạt hành chính 200 nghìn đồng, tức là có những chế tài không đủ sức răn đe.
Về nguyên tắc, ‘phòng bệnh’ thì đỡ vất vả hơn nhiều so với ‘chữa bệnh’. Khi chúng ta có chế tài đủ mạnh, được thực thi nghiêm túc, tăng cường thanh tra, kiểm tra, những đối tượng có liên quan sẽ ý thức được trách nhiệm khi tham gia vào hoạt động này, hậu quả nếu vi phạm.
Những trường hợp vi phạm bị xử lý nghiêm theo quy định cũng là một cách tuyên truyền, có tác dụng răn đe với những đối tượng đang có hành vi tương tự hoặc có ý định thực hiện hành vi vi phạm.
- Có một thực tế là những nội dung chưa được kiểm duyệt trên các kênh mạng xã hội lại hấp dẫn trẻ em hơn nhiều so với những nội dung được đánh giá là bổ ích và lành mạnh trên các kênh thông tin chính thống. Thực tế này đặt ra một bài toán và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp về nền tảng ứng dụng tham gia thị trường tiềm năng này.
Về phía cơ quan quản lý, theo ông, cần có các cơ chế, chính sách gì để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hình thành ‘hệ sinh thái’ các sản phẩm, ứng dụng hỗ trợ trẻ em học tập, tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng?
Đúng là các nội dung trên mạng có nhiều nội dung, chương trình hấp dẫn trẻ em hơn rất nhiều so với các nội dung được coi là chính thống. Các đơn vị sản xuất cũng nên xem lại nguyên nhân do đâu. Có phải do chúng ta làm khô cứng quá, nội dung chương trình nghèo nàn, giáo điều quá, hình thức thể hiện kém hấp dẫn hay không?
Theo tôi, để một nội dung hấp dẫn với trẻ em, trước hết chúng ta phải nói theo ngôn ngữ của trẻ. Và nội dung ấy cũng phải được thể hiện bằng những hình thức hấp dẫn, hợp xu hướng, là cái mà trẻ em thích, trẻ em quan tâm, sau đó chúng ta mới có thể lồng ghép kiến thức hay thông điệp mà chúng ta muốn trẻ tiếp nhận vào đó được.
Về việc khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia tạo dựng một hệ sinh thái như thế này, giải pháp đầu tiên dường như mang tính lý thuyết, đó chính là công tác truyền thông để làm sao xã hội, các doanh nghiệp nhận thức được vai trò của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Tuyên truyền làm sao để bản thân doanh nghiệp xác định được trách nhiệm và có động lực, chủ động, tích cực tham gia công tác này.
Khi làm truyền thông tốt, chúng ta sẽ lan toả được tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. Ví dụ như đợt Covid-19 vừa qua, mặc dù giới doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đứng ra chung tay với Chính phủ. Tôi cho rằng, khi chúng ta làm truyền thông tốt thì sẽ chạm đến được trái tim của mỗi con người.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp, dù hoạt động với mục tiêu nào thì họ cũng phải thu được lợi nhuận, lợi ích. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp bằng những đòn bẩy về mặt kinh tế.
Thứ ba, khi doanh nghiệp làm ra sản phẩm rồi thì việc sử dụng sản phẩm đó cần sự chung tay của xã hội, gia đình và nhà trường. Mục đích là để trẻ em có sự lựa chọn, định hướng, thậm chí là giám sát việc truy cập mạng một cách tích cực để trẻ em truy cập những chương trình có nội dung và hình thức phù hợp với thời lượng hợp lý.
- Có những đánh giá cho rằng vấn đề bảo vệ trẻ em ở Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa với các quốc gia phát triển trên thế giới. Ví dụ như chính phụ huynh đôi khi cũng không ý thức được việc sử dụng hình ảnh của con em mình trên mạng xã hội có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho trẻ. Theo ông, chúng ta cần làm gì để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này?
Luật trẻ em đã quy định về quyền riêng tư của trẻ em rồi. Đưa 1 bức ảnh của trẻ em lên mạng có thể trở thành một hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng ở đây có 2 việc, thứ nhất là ý thức chấp hành pháp luật và thứ hai là yếu tố văn hoá.
Ở phương Tây, một cái bẹo má trẻ em có thể là một hành vi vi phạm pháp luật, nhưng với chúng ta, hành vi đó có thể là rất bình thường. Với truyền thống văn hoá của chúng ta, nhiều khi khó xác định được ranh giới rõ ràng giữa 2 việc này.
Để quy định pháp luật trở thành nhận thức của xã hội, cộng đồng thì cần phải có thời gian và chúng ta lại phải quay trở lại câu chuyện tuyên truyền như thế nào.
Gần 75% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát không biết về các đường dây nóng hay bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào khác nếu đối mặt với bắt nạt hoặc bạo lực trên mạng.
" alt="Cần xây dựng hệ sinh thái lành mạnh cho trẻ em trên không gian mạng"/>