Theo BS.CK2 Bùi Thị Loan Chi, Khoa Răng, Bệnh viện Quân y 175, thói quen dùng tăm xỉa răng để lấy thức ăn thừa còn sót lại trong các kẽ răng có thể làm hỏng nụ cười, tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe răng miệng, đặc biệt là răng và nướu.
Tổn hại men răng, mòn răng
Tăm thường được làm bằng gỗ hoặc tre với hai đầu nhọn, xỉa răng sẽ gây tổn hại men răng. Nhiều người nhai tăm có thể dẫn đến mòn men răng sớm.
Tổn thương nướu, sâu cổ răng, nhiễm trùng
Ngay cả khi tăm không tổn hại nghiêm trọng đến miệng thì chúng cũng gây mất vệ sinh. Xỉa răng không cẩn thận, đầu nhọn của tăm vô tình làm thủng nướu gây chảy máu nướu, tụt nướu, lộ chân răng gây nhạy cảm ê buốt, sâu cổ răng.
Chọc tăm sâu vào nướu có thể truyền bất kỳ vi khuẩn nào từ đầu tăm xuống dưới đường nướu, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Một số trường hợp tăm xỉa răng bị gãy, đặc biệt là những loại tăm giá rẻ, khiến những mảnh gỗ nhỏ mắc kẹt giữa các kẽ răng hay trong nướu, thậm chí đâm vào vòm miệng... nguy cơ nhiễm trùng răng miệng.
Tạo khe hở, thưa kẽ giữa các răng
Tăm thường xuyên được cắm vào cùng một vị trí có thể tạo áp lực đủ lớn lên răng để làm dịch chuyển chúng, tạo thêm khoảng trống lẽ ra không nên có.
Tăm có thể gây hư hại cho các phục hình răng
Nếu bạn có miếng trám, mặt dán sứ hoặc mão răng (chụp răng, bọc răng...), khi dùng tăm có thể vô tình cạy chúng ra khỏi răng.