iPhone cũ được buộc chồng đống tại chợ Hoa Cương Bắc, Thâm Quyến: Nguồn: Telegraph
Thị trường béo bở
Hằng năm, Apple chỉ cho ra 2 model mới (trước đây mỗi năm 1 mẫu mới) – số lượng phải nói là quá ít so với các hãng điện thoại khác nhưng nó cũng đủ làm cho rất nhiều iPhone trở nên cũ đi và cần thay thế. Thế nhưng, khác hẳn với các sản phẩm khác, những chiếc iPhone cũ lại tiếp tục có đời sống mới khi được tân trang, dựng lại chứ không kết thúc ở các bãi rác điện tử.
Theo trang Tencent của Trung Quốc đưa tin hồi năm 2014 – khi Foxconn chính thức thực hiện chương trình mua bán iPhone cũ, mỗi ngày hãng thu hồi khoảng 50.000 - 60.000 iPhone cũ thông qua các kênh chính thống trên toàn thế giới, chủ yếu từ ba thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Đấy mới là con số thống kê chưa đầy đủ từ kênh chính thống. Theo báo First Financial Daily ở Thượng Hải thì con số này chưa "nhằm nhò" gì với con số được thu mua qua các đầu nậu thu gom iPhone cũ tập trung ở Hong Kong và Thâm Quyến. Có thể nói, đây là một ngành kinh doanh béo bở mới bởi việc mua iPhone cũ, tân trang lại và bán với giá rẻ đáp ứng được nhu cầu của số lượng fan Táo khổng lồ nhưng khả năng tài chính hạn chế.
Tại Hong Kong và Thâm Quyến, có một "làn sóng" người rất nhạy bén trong kinh doanh, hoạt động khá âm thầm, đang giữ lợi thế trong chuỗi giá trị của Apple. Và mặc dù chỉ đứng ở "chiếu dưới" (so với chính hãng) nhưng họ lại có tiếng nói mạnh mẽ và thậm chí ảnh hưởng đến biến động giá cả iPhone trên thị trường.
Họ chỉ được xem là dân kinh doanh nhỏ lẻ, nhưng dữ liệu kim ngạch hằng năm được công bố chính thức trên website của một công ty chuyên buôn bán iPhone cũ Hong Kong là hơn 200 triệu USD cho thấy quy mô của việc kinh doanh, buôn bán iPhone cũ không hề nhỏ.
Theo tiết lộ trên báo Nhật Bản ngày 10/4/2015, những đầu nậu thu gom iPhone cũ lớn đều tập trung ở Hong Kong với hơn 30 nhà bán đấu giá. Khoảng 20% số iPhone cũ được khoảng 10 công ty bảo hiểm Mỹ mua lại. Phần còn lại sẽ chảy vào Trung Quốc và sau đó tràn sang các nước Đông Nam Á, châu Phi và các thị trường đang phát triển khác.
Phóng viên tờ First Financial Daily cho biết, nơi đấu giá iPhone và các sản phẩm Apple cũ tập trung ở quận Hung Hom ở Hong Kong và hầu hết người mua là từ Hoa Cương Bắc (Thâm Quyến). Sản phẩm đấu giá được phân loại thành các mức A, B, C, D, trong đó hàng từ Nhật Bản có thể là nhóm loại A – tức chất lượng tốt hơn – và Mỹ thường ở mức B.
Hoạt động đấu giá được tổ chức tại các "sàn", là những căn hộ cũ, chất nhiều thùng carton đựng iPhone cũ không vỏ hộp, được bó thành từng bó và mỗi hộp đều có đánh số. Những người tham gia đấu giá, trong đó có cả những thương nhân châu Phi, đã xem xét sơ bộ các thùng trước khi tham gia bỏ giá đấu. Nhìn chung, mặc dù đã được phân loại nhưng người đấu giá phải chấp nhận cả rủi ro, có thùng hàng nhiều sản phẩm chất lượng còn tốt và ngược lại.
iPhone cũ được "hô biến" thế nào?
iPhone cũ được tháo gỡ hoàn toàn để kiểm tra từng bộ phận nào còn đang hoạt động. Ảnh chụp tại chợ Hoa Cương Bắc. Nguồn: Telegraph. Hoạt động tân trang iPhone diễn ra tại các hộ gia đình ở Thâm Quyến bí mật, người ngoài không được chụp ảnh, quay video.
Sau đấu giá, iPhone cũ được vận chuyển vào Trung Quốc, tập trung ở Thâm Quyến để làm mới lại trước khi bán đi khắp thế giới đang phát triển.
Hoa Cương Bắc là một địa chỉ nổi tiếng thế giới ở Thâm Quyến bởi đây là chợ điện tử lớn, nơi buôn bán hàng điện tử đủ các loại, từ điện thoại di động cho đến drone... Trong đó, tất nhiên có cả iPhone, hàng nhái, hàng dựng, hàng cũ... Các cửa hàng ở đó cũng có lắp ráp, tân trang iPhone cũ. Tuy nhiên, những gì mà khách hàng nhìn thấy ở chợ điện tử Bắc Hoa Cương chỉ là phần nổi của ngành tân trang iPhone.
Theo phóng viên First Financial Daily, ở Thâm Quyến có hàng ngàn hộ gia đình tham gia vào ngành tân trang iPhone. iPhone cũ lại tiếp tục được phân loại, những chiếc nào chỉ cần làm mới vỏ, những chiếc nào cần thay màn hình hay sửa chữa bên trong... Những tụ điểm tân trang iPhone này thường đặt ở trong các nhà xưởng, trông bề ngoài khó phân biệt với các ngôi nhà bình thường khác. Nhưng họ hoạt động rất bí mật, thường có cài đặt camera ở cửa để đối phó với các cuộc bố ráp của công an.
Bên trong các xưởng tân trang iPhone, nhân viên sẽ thành thạo tháo các ốc vít iPhone, cẩn thận gỡ màn hình và thân máy rời ra mà không làm hỏng dây cáp. Sau đó, họ sẽ rửa bảng mạch, làm sạch bụi linh kiện bên trong và thay thế linh kiện, hàn keo, thay thế vỏ, pin, bổ sung phụ kiện, tờ chỉ dẫn chung, đóng gói, làm nhãn và cuối cùng làm cho chiếc iPhone được dựng trông chẳng khác gì chiếc iPhone chính hãng.
Tuy nhiên, để kiếm được tối đa lợi nhuận, nhiều hộ tân trang đã sử dụng đủ các loại mánh khoé gian lận và thông thường nhất là họ chọn những linh phụ kiện nhái giống hệt của iPhone để sửa chữa, thay thế. Việc làm này giúp giảm chi phí tổng thể đáng kể, nhưng như vậy, iPhone đã bị biến thành hàng giả.
Chẳng hạn, chiếc vỏ iPhone dưới bàn tay lão luyện của những thương nhân được "chế" giống hệt như vỏ máy iPhone xịn, mà giá chỉ có khoảng 1 đô la. Cảnh sát Thẩm Quyến đã từng lục xét một xưởng tân trang iPhone và phát hiện có hơn 20 nghìn vỏ iPhone như thế.
Cứ mỗi thế hệ iPhone mới ra mắt, sẽ có một số lượng lớn vỏ, nút, màn hình và thậm chí phụ kiện bảng mạch nhái xuất hiện ở chợ điện tử Hoa Cương Bắc. Nhiều điện thoại iPhone tân trang được bán tại chợ Bắc Hoa Cương hoặc được chuyển đi các thị trường khác, trong đại lục Trung Quốc và nước ngoài.
Chất lượng những chiếc iPhone được xuất khỏi các xưởng hộ gia đình này thế nào? Rất khó có thể biết được. Về hình thức, khách hàng có thể nhìn thấy ngay. Tất nhiên là nó được tân trang trông không tì vết nhờ chiếc vỏ giả mới. Nhưng còn bên trong thì sao? Những chiếc iPhone cũ được sửa, thay thế để có thể chạy được. Những phần được thay thế là linh kiện lỗi từ các nhà sản xuất cho Apple thải ra, linh kiện iPhone cũ khác hoặc linh kiện rẻ tiền. Những sản phẩm như vậy nói chung là người dùng rất khó phát hiện, đặc biệt về linh kiện bên trong, thậm chí ngay cả các kỹ sư lành nghề cũng cần phải tháo ra để dò tìm mới có thể kết luận được.
Trên thị trường, iPhone cũ thường được định chất lượng thông qua các khái niệm "hàng nguyên bản" - có nghĩa hàng chưa sửa chữa gì; hàng "dựng" - tức sản phẩm đã có sự thay thế linh kiện, có thể là linh kiện từ chiếc iPhone cũ khác hoặc linh kiện rẻ tiền. Nhưng với những gì đang diễn ra ở ngành kinh doanh iPhone cũ Trung Quốc thì ngay cả iPhone đóng trong hộp mới cũng không có gì đảm bảo về chất lượng.
">