Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai những biện pháp kết nối, cung cấp dữ liệu, đối soát trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó, phát hiện các trường hợp có thông tin chưa trùng khớp hoặc sai quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, góp phần giải quyết triệt để tình trạng sử dụng SIM thuê bao di động có thông tin không đúng quy định, đảm bảo đến ngày 31/3/2023, các thuê bao đang hoạt động đều có thông tin chính xác và trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sau khi đối soát, Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động nếu phát hiện thuê bao có thông tin chưa chuẩn thì phải rà soát, đối chiếu và triển khai giải pháp xác thực.
Đối với các thông tin thuê bao nghi ngờ không đúng quy định, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định buộc tạm dừng hoạt động nếu không đăng ký lại.
Nhiều độc giả VietNamNet bày tỏ sự đồng tình với biện pháp siết chặt quản lý thuê bao di động bằng cách chuẩn hóa thông tin bởi đây là động thái mạnh mẽ ngăn chặn vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác và lừa đảo. Tuy nhiên, một số người đặt câu hỏi vì sao năm 2018 đã có đợt đăng ký thông tin thuê bao cả nước rồi mà giờ vẫn phải đăng ký lại?
Trả lời câu hỏi này, Cục Viễn thông cho biết, công tác chuẩn hoá thông tin thuê bao, bảo đảm thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động được quản lý đầy đủ, chính xác có vai trò hết sức quan trọng. Nếu như trước đây việc chuẩn hoá chỉ dừng ở mức đối chiếu, bảo đảm sự trùng khớp giữa thông tin được khách hàng cung cấp khi mua, đăng ký SIM và dữ liệu lưu trữ tại nhà mạng thì lần này chuẩn hoá hướng tới mục tiêu bảo đảm thông tin thuê bao đúng quy định và trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục đích là giảm những hoạt động lợi dụng SIM thuê bao có thông tin không chính xác để thực hiện hoạt động quảng cáo sai sự thật, sai luật. Do vậy, Cục Viễn thông rất mong khách hàng, người sử dụng thuê bao di động phối hợp với các nhà mạng để chuẩn hóa thông tin.
Một số độc giả băn khoăn khi cung cấp thông tin cá nhân cho nhà mạng, quy trình bảo mật được thực hiện thế nào?Trả lời thắc mắc trên, Cục Viễn thông cho hay, theo quy định, việc bảo vệ thông tin cá nhân của các nhà mạng phải thực hiện nghiêm túc theo Điều 6 của Luật Viễn thông. Cụ thể, doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông trừ khi được họ đồng ý cung cấp hoặc nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Tuy nhiên, Cục Viễn thông nhận định rằng, trong thực tế, việc lộ, lọt thông tin cá nhân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Người dùng nên cân nhắc cung cấp số điện thoại khi sử dụng dịch vụ hàng ngày.
Nhiều độc giả đặt câu hỏi sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao thì tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác có còn tiếp diễn không?Về vấn đề này, Cục Viễn thông cho biết:“Việc chuẩn hóa lần này sẽ góp phần làm giảm hoạt động lợi dụng SIM thuê bao có thông tin chưa chính xác để thực hiện quảng cáo không đúng sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Mong rằng người sử dụng dịch vụ viễn thông di động chủ động tìm hiểu để có ý thức về tầm quan trọng của số điện thoại mà mình đang sử dụng trên môi trường mạng”.
Đề xuất đình chỉ phát triển thuê bao mới nếu phát hiện nhà mạng sai phạm
Cục Viễn thông sẽ tổ chức giám sát, kiểm tra các nhà mạng, đặc biệt với việc phát triển thuê bao mới và đề nghị đình chỉ việc phát triển thuê bao này nếu có sai phạm.