5 lý do để áp dụng cách ly, điều trị F1, F0 tại nhàTheo TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, TP nên thực hiện việc cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà.
Thứ nhất, đây là chủ trương theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và chủ trương của Bộ Y tế về “thích ứng an toàn, linh hoạt” trong tình hình mới.
Thứ hai, theo TS Nguyễn Việt Hùng, điều này phù hợp nguyện vọng của người dân có điều kiện đảm bảo việc cách ly, điều trị tại nhà. “Người dân sợ đến khu cách ly tập trung vì thực tế cho thấy hơn 50% ca lây nhiễm Covid-19 nằm ở khu tập trung. Tại khu cách ly 4, 5 người một phòng, họ dùng chung nhà tắm, vệ sinh nên khó đảm bảo về phòng tránh lây nhiễm”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo TS Hùng, người dân dù tiếp xúc với F0 nhưng sức khỏe ổn định, không triệu chứng vẫn nên tạo điều kiện để họ có thể làm việc, sinh hoạt tại nhà.
|
Một khu phong tỏa tại Hà Nội. Ảnh: VietNamNet |
Lý do thứ ba, ông Hùng nêu, việc một chung cư, tập thể có người cách ly là việc tốt để cảnh báo người dân. Vì lúc này, khu vực đó phải huy động cả ban quản lý chung cư, bảo vệ, phải kiểm soát buộc người dân cảnh giác, đề cao phòng tránh lây nhiễm, không còn tâm lý chủ quan. “Nếu cứ đi cách ly tập trung, người dân lại chủ quan rằng các ca F1, F0 đã đưa đi hết rồi, không còn phải lo lắng. Thực tế quanh chúng ta vẫn đầy F0”, ông nói.
Lý do tiếp theo, ông Hùng cho rằng, cách ly tập trung cũng ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch nói chung. Theo đó, người dân sợ phải đi cách ly tập trung vì vậy có thể gian dối, không trung thực trong vấn đề khai báo y tế.
Cuối cùng, TS Hùng nhận định, Hà Nội đã có tỷ lệ phủ vắc xin khá cao, việc này có thể linh động để F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà. Về ý kiến Hà Nội “đất chật người đông” không đảm bảo đủ an toàn khi cách ly tại nhà, TS Hùng cho rằng, cách ly tức là người dân cần 1 phòng riêng. Việc Hà Nội chật, đông người không ảnh hưởng đến vấn đề này.
“Thực hiện cách ly, tại nhà hay tại khu tập trung, bản chất vẫn là tách con người khỏi xã hội, có nghĩa là không ra khỏi nhà, người trong nhà không được tiếp xúc với nhau.
Vì vậy cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà là việc Hà Nội nên làm, không phụ thuộc vào việc TP có đảm bảo chỗ cách ly tập trung, hay đất chật người đông. Cách ly tập trung vẫn duy trì nhưng chỉ dành cho người không đảm bảo điều kiện cách ly tại nhà”, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội khẳng định.
Đồng quan điểm trên, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng: “Việc đưa người đi cách ly tập trung nên dựa trên sự tình nguyện. Ví dụ họ không đủ điều kiện cách ly tại nhà như không có phòng riêng, nhà vệ sinh riêng, gia đình có người chưa tiêm vắc xin, người có bệnh nền…
Ví dụ bạn tôi ở một mình trong 1 căn biệt thự vẫn phải lên khu cách ly ở chung 5,6 người/phòng. Điều này rất bất cập vì ngoài nguy cơ lây nhiễm chéo, người dân còn có nhiều nguy cơ khác. Ví dụ người già, người có bệnh nền (tim mạch, ung thư…) khi ở nhà uống thuốc thường xuyên, không gian yên tĩnh, thoải mái, có người chăm sóc, sức khỏe họ sẽ ổn định. Còn ở khu cách ly tập trung, do tâm lý cô đơn, xa lạ, sinh hoạt thay đổi, bệnh sẽ dễ nặng hơn”, ông Nga phân tích.
Cũng theo PGS Nguyễn Huy Nga, bài học tại TP.HCM, Bình Dương vẫn còn hiệu hữu. Các tỉnh này bùng dịch, lây lan nhiều là do cách ly tập trung. Tại Hà Nội cũng vậy, có trường hợp F1 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 30/9 được chuyển đi cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngày 20/10, có kết quả mắc Covid-19 do là lây tại khu cách ly tập trung. Không chỉ chung phòng, việc đi cùng xe, di chuyển cùng thời gian khi đưa người đi cách ly… cũng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm chéo là phân tích của PGS Nguyễn Huy Nga.
‘Hà Nội khó có nguy cơ bùng dịch như TP.HCM’
Đây là nhận định của TS Nguyễn Việt Hùng. “Ca mắc Covid-19 trong 1 tháng gần đây tại Hà Nội, ngày cao điểm là 222 ca mắc mới, còn lại trên dưới 100 ca/ngày vẫn là con số bình thường. Bởi chủng Delta lây nhiễm tăng theo cấp số nhân. Vì vậy việc ca mắc như hiện tại không quá lo ngại.
Trong khi đó, sau khi tiêm vắc xin, chúng ta đã hạn chế được khả năng trở nặng của F0 và đặc biệt, các ca mắc mới đa số bị nhẹ hoặc không triệu chứng”.
Theo TS Hùng, người dân vẫn phải tuân thủ khuyến cáo 5K. Để giảm nguy cơ bùng phát cần hạn chế tập trung đông người, nâng cao trách nhiệm chủ cơ sở như nhà hàng, khách sạn, chủ nhà máy. “Người dân vào đâu cũng phải chịu sự kiểm soát của người đứng đầu ví dụ vào bệnh viện phải tuân thủ quy định bệnh viện, vào quán xá, công ty cũng vậy… Các cơ sở thực hiện đúng quy định phòng chống dịch sẽ hạn chế lây nhiễm. Vì vậy cơ quan liên ngành cần tăng cường giám sát, kiểm tra”, TS này nói thêm.
Thời gian tới, ông Hùng đánh giá, ca mắc mới tại Hà Nội có thể tiếp tục tăng nhưng không quá lo ngại khi Hà Nội giải quyết được bài toán cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà và nâng cao sự kiểm tra giám sát của chính quyền. Điều này sẽ giúp kiểm soát dịch, không để bùng phát như tại TP.HCM, Bình Dương.
Trong khi đó, PGS Nguyễn Huy Nga cho rằng, ca mắc mới tại Hà Nội vẫn đáng quan ngại do nhiều người chưa tiêm đủ vắc xin và người dân vẫn chủ quan trong phòng chống dịch. Mặc dù vậy, ông Nga đánh giá: “Hà Nội khó có nguy cơ bùng dịch như TP.HCM do chúng ta đã phủ vắc xin tương đối cao. Đặc biệt, chúng ta phải có thống kê bao nhiêu F0 nặng, bao nhiêu người có triệu chứng mới có thể nhận định, đánh giá một cách chính xác về tình hình dịch TP. Số F0 không quan trọng bằng số ca nặng và tử vong”.
Đồng thời, PGS Nga nhấn mạnh, Hà Nội cần tăng cường y tế cơ sở, lập trạm y tế lưu động để hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. “Việc tiêm vắc xin mũi 3 – là mũi tăng cường cũng nên xúc tiến ưu tiên cho lực lượng y tế ở tuyến đầu, người cao tuổi, người bệnh nền đã tiêm vắc xin mũi 2 trên 6-8 tháng”, ông nói thêm.
>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội mới nhất
Ngọc Trang
Phát hiện học sinh mắc Covid-19, trường học phải xử lý thế nào?
Tất cả học sinh, giáo viên cùng lớp học có người mắc Covid-19, đều được coi là F1. Cơ quan chức năng phải tách F1 ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm F1 lần đầu theo mẫu đơn.
">